Tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon

Theo H.H/daidoanket.vn

Chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường theo đánh giá là chưa phù hợp thực tiễn. Số thu từ các sắc thuế này cũng bị cho là chưa tương xứng với những tổn hại do sản xuất, tiêu dùng gây ra. GIới chuyên gia cho rằng, với mặt hàng như túi ni lông phải hạn chế tuyệt đối.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg, Việc này được coi là để góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê, ở Việt Nam mỗi hộ gia đình sử dụng trung bình khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Như vậy, nếu đánh thuế BVMT đầy đủ lượng túi nilon được tiêu thụ theo quy định hiện hành thì ngân sách nhà nước sẽ có thêm nhiều chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thế nhưng thực tế, theo số liệu Bộ Tài chính công bố thì số tiền thu thuế BVMT từ túi nilon là rất hạn chế. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu túi nilon thuộc diện chịu thuế BVMT trong những năm qua như sau: Năm 2016 là 65,63 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 20,1 tỷ đồng; năm 2017 là 64,61 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 22,7 tỷ đồng; 8 tháng năm 2018 là 45,68 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 19,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, số thu thuế BVMT đối với túi nilon sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 54 tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ khiến nhiều người băn khoăn, phải chăng đang có hiện tượng thất thoát nghiêm trọng trong việc thu thuế bảo vệ môi trường với túi nilon.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, để hạn chế sử dụng túi nilon, vấn đề không nằm ở chính sách thuế. Việc tăng thuế dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề vì điều này không hạn chế được người sản xuất túi nilon.

Theo kiến nghị của ông Ánh, nên cấm sử dụng triệt để túi nilon. Khi đó, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế. Điều này sẽ kích cầu và kích cung được việc sử dụng và sản xuất các loại vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc tăng thuế bảo vệ với túi nilon, nguồn thu này không đủ để bù đắp những tác hại của túi nilon mang lại với môi trường.

Từng đề xuất về cách tính thuế đối với mặt hang túi nilon để bảo vệ môi trường một cách tích cực hơn nữa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc thuế môi trường nên được tính theo số lượng túi nilon. Lý giải điều này, VCCI cho biết, cách đánh thuế hiện nay dựa trên khối lượng túi sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nilon mỏng, điều này không phù hợp vì loại túi nilon mỏng gây tác hại lớn hơn đến môi trường. Phương pháp này đang được nhiều nước áp dụng như ở Anh, Iceland mức thuế tương đương 4.500 đồng/túi. Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon có độ dày nhỏ hơn 0,025mm.

Trong khi đó đề xuất giải pháp để hạn chế sử dụng túi nilon, PGS.,TS. Nguyễn Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế- Hải quan, Học viện Tài chính nêu lên 3 giải pháp. Thứ nhất là tăng khung thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không thân thiện với môi trường. Hiện, mức thuế này đã kịch khung nhưng giá thành vẫn chưa tăng đáng kể. Khi giá quá cao, người dùng thấy đắt đỏ sẽ từ bỏ dần thói quen dùng túi nilon.

Thứ hai, công tác quản lý và giám sát phải làm sao để các cơ sở sản xuất túi nilon thực hiện đúng các quy định. Một cân túi nilon hiện tại chỉ vài ba chục nghìn đồng, trong khi thuế đã chiếm tỷ lệ cao. Điều này chứng tỏ, các cơ sở này không đóng góp thuế bảo vệ môi trường, mua bán trôi nổi, không hóa đơn chứng từ. Cơ quan quản lý phải quản lý được nguồn thu từ các cơ sở đó để thu thuế bù đắp các tổn hại môi trường.

Thứ ba là cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu và hạn chế sử dụng túi nilon.