Cửa ải kinh tế Đông Nam Á
Mức tăng trưởng cao của cách đây 1 thập niên sẽ không quay trở lại trừ phi các nền kinh tế Đông Nam Á qua được cửa ải kinh tế tri thức.
Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu ớt, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và sự không chắc chắn về chính sách tiền tệ Mỹ thì những con số dự báo tăng trưởng GDP của Đông Nam Á có vẻ khá lạc quan. Trong số 10 quốc gia Đông Nam Á, chỉ mỗi Brunei mấp mé bờ vực suy thoái. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP khu vực sẽ từ mức 4,4% năm ngoái lên 4,5% năm nay và 4,8% vào năm 2017.
Tuy nhiên, dự báo này có thể sẽ trở nên quá lạc quan, đặc biệt nếu các thị trường tài chính toàn cầu một lần nữa chao đảo như đã diễn ra vào đầu năm nay và vốn nước ngoài lại tháo chạy.
Những nền kinh tế khỏe mạnh nhất ở Đông Nam Á là Việt Nam và Philippines: cả 2 đều có dân số trẻ và ít dựa vào Trung Quốc hoặc vào xuất khẩu hàng hóa, hơn là hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,7% vào năm ngoái, nhờ hoạt động xuất khẩu khả quan. Còn Philippines tăng trưởng tốt nhờ khu vực dịch vụ mạnh. Đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của 2 nền kinh tế này.
Trong khi đó, Malaysia và Indonesia lại lao đao do đà tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc. Các loại hàng hóa như than đá, dầu cọ, quặng niken chiếm tới 3/5 xuất khẩu của Indonesia. Vì thế, khi nhu cầu của đối tác thương mại Trung Quốc giảm, Indonesia cũng bị ảnh hưởng. GDP năm ngoái chỉ tăng trưởng 4,79%, m thấp nhất trong 6 năm qua. Tổng thống Joko Widodo đã nhậm chức vào năm 2014 với cam kết đưa Indonesia quay trở về mức tăng trưởng 7%, nhưng cho đến nay con số này dường như khó khả thi, mặc cho những kế hoạch tham vọng tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng.
Malaysia, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Á, thì không chỉ khổ sở vì giá cả hàng hóa giảm mà còn vì những bê bối chính trị liên quan đến Thủ tướng, vốn đã gây sức ép lớn lên đồng ringgit. Giá dầu mỏ đã giảm hơn 60% từ mức đỉnh cách đây 2 năm, trong khi dầu mỏ chiếm đến 1/5 xuất khẩu của Malaysia.
Tuy nhiên, xuất khẩu mạnh hàng điện tử đã cho Malaysia lớp đệm bảo vệ chống lại đà sụt giảm nguồn thu từ dầu mỏ. Nhưng khu vực này lại bị tác động mạnh bởi nhu cầu thế giới. Tăng trưởng GDP hằng năm của Malaysia dự kiến sẽ đạt trung bình dưới 5% cho đến cuối năm 2018.
Bức tranh kinh tế Thái Lan cũng không mấy sáng sủa. Năm ngoái, tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 2,8%, theo sau mức tăng trưởng ảm đạm dưới 1% của năm 2014 sau khi Tướng Prayuth Chan-ocha chỉ huy cuộc đảo chính và trở thành Thủ tướng.
Nhu cầu nội địa kể từ đó đã hồi phục và du khách đang quay trở lại các bãi biển của Thái Lan.Nhưng sự không chắc chắn về định hướng chính trị của nước này chắc chắn sẽ làm vơi bớt lòng nhiệt tình của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nếu các dự án hạ tầng vẫn được triển khai như kế hoạch và chính trị ổn định, tăng trưởng có thể sẽ khả quan.
Đó chỉ là các viễn cảnh trước mắt, trong khi các nền kinh tế Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều vấn đề dài hạn hơn. Đáng chú ý là lực lượng lao động và tỉ lệ sinh suy giảm, đặc biệt tại Thái Lan và Singapore. Một vấn đề khác là tăng trưởng năng suất thấp hơn trong tương lai. Các nền kinh tế Đông Nam Á đã gặt hái thành quả khá dễ dàng khi hàng chục triệu người nghèo ở Đông Nam Á chuyển từ nông thôn lên thành thị, làm việc ở các thành phố mới hoặc các khu vực dịch vụ đang tăng trưởng.
Nhưng sắp tới hành trình sẽ rất khó khăn và sẽ phụ thuộc vào trình độ tri thức của lao động trẻ, các thị trường lao động linh hoạt hơn, việc đổi mới công nghệ không ngừng cũng như sự nhanh nhạy, năng động của chính phủ các nước. Mức tăng trưởng cao của cách đây 1 thập niên sẽ không quay trở lại, trừ phi các nền kinh tế Đông Nam Á qua được cửa ải này.