Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tài chính thế giới và khu vực

PV.

Trong những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 11, có rất nhiều sự kiện xảy ra trên thế giới, trong khu vực như thiên tai, nhân tai... nhiều hội nghị cấp cao về các lĩnh vực: tăng trưởng, biến đổi khí hậu, hợp tác song phương, đa phương... đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình tài chính thế giới và khu vực

Vừa qua, ngày 9/11/2015, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã có Báo cáo về Triển vọng kinh tế thế giới. Trong báo cáo, OECD đã công bố hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 từ mức 3% xuống còn 2,9% - mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Các nền kinh tế vững vàng như Châu Âu cũng chỉ dự báo tăng trưởng GDP đạt 1,6% trong quý 3/2015; Đặc biệt, GDP của Nhật Bản sau khi giảm 0,7% trong quý 2, đã tiếp tục giảm 0,8% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo trong quý IV chưa có dáu hiệu khả quan hơn.

Một số dự báo về tăng trưởng của khối ASEAN (theo Báo cáo Đầu tư ASEAN 2015): Nếu năm 2014, tăng trưởng GDP của ASEAN đạt 4,6%, thì dự kiến trong vòng 4 năm tới (tới năm 2018) GDP sẽ tăng trưởng 5,6%.

Trong năm 2013, lượng vốn FDI mà khối thành viên kinh tế ASEAN đã thu hút được lên tới 117,7 tỷ USD, năm 2014, con số này đã tăng lên 136,2 tỷ USD (năm 2014 tăng 15,7% so với năm 2013), là năm thứ 3 liên tiếp vốn FDI tăng đưa ASEAN trở thành khu vực có môi trường thu hút nhiều vốn FDI nhất thế giới.

Trong ngày 22/11/2015, Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tổ chức tại Malaysia, lãnh đạo của 10 nước thành viên đã chính thức thành lập “Cộng đồng kinh tế ASEAN” đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Điều này không những đặt ra nhiều cơ hội mà còn không ít thách thức đối với kinh tế Việt Nam.

Tình hình kinh tế, tài chính trong nước

Theo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế của Việt Nam, bất chấp các khó khăn tác động từ bên ngoài, các cân đối lớn của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô đã cơ bản ổn định. Cụ thể:

Chỉ số CPI tăng 0,07% so với tháng trước (tăng 0,34% so với cùng kỳ năm 2014); Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 11/2015 ước đạt 28,8 tỷ USD, (tăng 2,4% so với tháng trước), trong đó, xuất khẩu ước đạt 14,3 tỷ USD (giảm 0,1%) và nhập khẩu ước đạt 14,5 tỷ USD (tăng 5% so với tháng trước); Cán cân thương mại tháng 11 ước thâm hụt 200 triệu USD, 11 tháng ước thâm hụt 3,78 tỷ USD.

Tình thình thu hút và giải ngân FDI đạt 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014. Vốn FDI thực hiện ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm và trên 1 năm lần lượt là 6,5% và 7,2%; lãi suất cho vay ở mức 8,15% cho ngắn hạn và 10,2% cho trung và dài hạn.

Tỷ giá VND/USD tăng, tỷ giá trung bình ở các NHTM là 22.409 USD/VND (tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2014).

Tính đến ngày 25/11, chỉ số VnIndex đạt mức 593,8 điểm, giảm 2,1% so với tháng 10/2015 (tăng 8,8% so với cuối năm 2014).

Các chỉ số trên hầu hết đều tăng theo chiều hướng tốt, dự báo, trong năm 2015, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 6,3 - 6,5%, là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và thế giới.