Cục Hải quan TP. Hà Nội siết chặt Kỷ cương - Văn hóa

Hà Phương

Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của công chức, Cục Hải quan TP. Hà Nội vừa ban hành quy định thực hiện Kỷ cương – Văn hóa.

Hải quan Hà Nội siết chặt Kỷ cương - Văn hóa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra. Ảnh: Văn Trường
Hải quan Hà Nội siết chặt Kỷ cương - Văn hóa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra. Ảnh: Văn Trường

Theo đó, tại Quyết định số 881/QĐ-HQHN ngày 28/6/2016 đã yêu cầu các cán bộ, công chức các đơn vị chức năng trực thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, của Ngành, cửa đơn vị khi thực thi nhiệm vụ.

Đáng chú ý, tại quyết định này, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã đưa ra 6 quy định về kỷ luật, kỷ cương và văn hóa giao tiếp: (1) Liêm chính; (2) Kỷ luật lao động; (3) Trang phục; (4) Giao tiếp, ứng xử; (5) Tác phong; (6) Văn minh công sở.

Cụ thể, về liêm chính: Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế của Ngành, quy trình thủ tục hải quan; Không lợi dụng vị trí công tác để tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà sách nhiễu, thu lợi bất chính cho bản thân, gia đình và các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác.

Về kỷ luật lao động: Thực hiện đúng kỷ luật lao động, không đi muộn, về sớm, làm việc có hiệu quả; Sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc, không làm việc riêng trong giờ làm việc; Nghiêm cấm uống rượu bia trong giờ làm việc và thời gian nghỉ trưa; Chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo, mệnh lệnh của cấp trên, tuân thủ chế độ thỉnh thị, báo cáo.

Về trang phục: Thực hiện nghiêm chỉnh việc mang, mặc trang chế phục Ngành.

Về giao tiếp, ứng xử: Trong giao tiếp, cán bộ công chức phải có thái độ văn minh, lịch sự, đúng mực. Chào hỏi: Công chức hải quan khi gặp nhau phải chào hỏi, thể hiện sự tôn trọng, thân thiện.

Trong xưng hô khi giao tiếp, công chức hải quan xưng hô với nhau bằng “tôi”, “đồng chí hoặc ông, bà” có thể gọi theo họ tên, chức vụ của người mình tiếp xúc…

Khi tiếp xúc với khách hàng tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng “anh, chị, ông, bà” và xưng “tôi”; hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, thể hiện lịch sự, văn minh của công chức hải quan.

Về tác phong: Cán bộ công chức hải quan rèn luyện tác phong làm việc mẫn cán, trung thực, chuyên nghiệp. Trong khi thi hành nhiệm vụ, công chức hải quan phải có tác phong nghiêm chỉnh, lịch sự; không ngồi, gác chân lên bàn làm việc hoặc có tư thế, cử chỉ, hành động khác làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh công chức Hải quan Thủ đô.

Về văn minh công sở, Cục Hải quan Hà Nội yêu cầu các cán bộ công chức hải quan của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc xây dựng, bảo vệ và giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, khoa học; đảm bảo văn minh, văn hóa công sở…

Bên cạnh các quy định trên, Cục Hải quan Hà Nội còn đưa ra một số hình thức xử lý kỷ luật hành chính đối với các cán bộ công chức hải quan vi phạm những quy định trên.

Theo đó, cán bộ công chức có sai phạm có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử lý sau: Phê bình, kiểm điểm trước toàn đơn vị; Hạ mức đánh giá, xếp loại tháng vi phạm; Hạ mức đánh giá, phân loại cuối năm.

Ngoài việc bị xử lý theo các hình thức nêu trên, công chức hải quan sai phạm có thể bị điều động, chuyển đổi vị trí công tác.

Theo Cục Hải quan Hà Nội, việc siết chặt kỷ cương – văn hóa là nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của công chức; phòng ngừa ngăn chặn sai phạm, tệ phiền hà, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền; nâng cao hình ảnh công chức Hải quan Thủ đô chuyên nghiệp, văn minh, văn hóa và thân thiện.