Cục Thuế Hải Phòng: Tăng tốc về đích
(Tài chính) Một nửa chặng đường năm 2014 đã đi qua, vượt qua những khó khăn chung đặt ra với nền kinh tế và thách thức trong hoạt động quản lý, thu ngân sách, Cục Thuế TP.Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả khả quan của 6 tháng đầu năm là động lực quan trọng để giúp Thuế Hải Phòng tăng tốc về đích, hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra…
Theo Cục Thuế Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm 2014, Thành phố đã thu được 4.689 tỷ đồng tiền thuế các loại, bằng 52,1% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là có 6/15 chỉ tiêu hoàn thành ở mức 50% dự toán năm trở lên, bao gồm khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 52,1%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 50,1%; thuế thu nhập cá nhân đạt 84,9%; thu tiền sử dụng đất 52,5%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 88,6%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 65,5%... Trong khi 6 tháng đầu năm 2013, hầu hết quận, huyện đều không đạt chỉ tiêu thu ngân sách thì năm nay, khu vực này đạt 55,5% dự toán cả năm, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có số thu đạt khá là Hồng Bàng, Ngô Quyền, Đồ Sơn, Hải An, Thủy Nguyên, Cát Hải…
Mặc dù một số doanh nghiệp lớn của Thành phố do một số nguyên nhân có số nộp giảm hơn năm ngoái với tổng số tiền thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng số thu chung của toàn thành phố vẫn bảo đảm. Đó là nhờ một số khoản thu của các doanh nghiệp khác bù lại; nhờ tiến độ các dự án lớn đúng kế hoạch nên phát sinh nguồn thu thuế nhà thầu, thuế thu nhập cá nhân. Lệ phí trước bạ, thu tiền sử dụng đất đều tăng so với cùng kỳ do thị trường bất động sản, tình hình mua sắm tài sản nhúc nhích tăng, nhất là mua sắm ô tô dưới 10 chỗ ngồi…
Kết quả thu trên chưa tăng mạnh nhưng đây là sự nỗ lực lớn lao của toàn thể cán bộ, công chức ngành Thuế Thành phố. Mặt khác, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì số thu ngân sách nội địa 6 tháng đầu năm 2014 của Thành phố có sự khởi sắc rõ rệt. Nhìn lại thời điểm này năm trước, có thể nói ngành Thuế Hải Phòng gặp muôn vàn khó khăn đối với công tác thu ngân sách, nhiều sắc thuế thu không được, nợ thuế thì chất chồng, doanh nghiệp kêu lỗ, phá sản.
Lý giải về những nguyên nhân mang lại những kết quả trên, Cục Thuế hải Phòng cho rằng, những dấu hiệu sự phục hồi kinh tế của Thành phố đã ngày càng rõ nét. Bên cạnh đó, ngành Thuế Hải Phòng đã đoàn kết, chủ động, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải trong công tác quản lý, thu ngân sách.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2014 của Hải Phòng đạt 7,52%, cao nhất so với 3 năm trở lại đây (năm 2012 đạt 5,7%, năm 2013 đạt 6,81%). Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2013 và so với bình quân chung cả nước, đạt mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố tháng 6 tăng 8,33% so với tháng 5, tăng 12,34% so với tháng 6 năm 2013, cộng dồn 6 tháng năm 2014 tăng 11,81% so cùng kỳ năm trước là những dấu hiệu rất rõ về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp giữ vững nhịp độ và có tăng trưởng; một số ngành cũng khá hơn như xuất khẩu, sản lượng hàng hóa thông qua cảng, du lịch, dịch vụ, thu hút nguồn vốn đầu tư…
Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng tiếp tục tăng nhanh, 6 tháng đã đạt gần 30 triệu tấn, tăng trưởng gần 15%. Trong khi đó, một số ngành sản xuất điện, đóng tàu, xi măng, may mặc… cũng có những chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã và sẽ đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất máy văn phòng của Công ty Kyocere Việt Nam, Công ty TNHH Fuji Xerox, Công ty TNHH chế tạo Zeon, Nhà máy sản xuất lốp xe ô tô Bridgestone Việt Nam, Nhà máy JX Nippon Oil & Energy Việt Nam… dự báo sẽ đóng góp quan trọng cho chỉ tiêu phát triển công nghiệp của thành phố. Đồng thời, với sự xuất hiện của nhiều dự án, nhà máy, công trình xây dựng… thì tiềm năng để thu thuế nhà thầu là rất lớn. Thế nên, ngành thuế đã chủ động cùng với các sở Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Kho bạc Nhà nước, Ban quản lý Khu Kinh tế thực hiện quy chế phối hợp, quản lý hàng trăm nhà thầu trong và ngoài nước, qua đó 6 tháng đầu năm thu đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ.
Đến giải pháp tăng tốc về đích
Dù đã đạt được một số kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên Cục Thuế Hải Phòng cũng xác định, trong những tháng còn lại của năm 2014 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, nhiệm vụ thu ngân sách vẫn còn hết sức nặng nề, đòi hỏi cần có sự quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời với việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách, công t ác nuôi dưỡng nguồn thu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ trọng tâm đặt lên hàng đầu.
Theo đó, trong những thàng cuối năm Cục Thuế Thành phố sẽ tập trung kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vì sao số thu khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương, doanh nghiệp nhà nước địa phương; thu tiền bán nhà, thuế bảo vệ môi trường đạt thấp so với dự toán; một số doanh nghiệp lớn, trọng điểm, nộp ngân sách ít hơn năm ngoái; số nợ thuế còn lớn; số thu từ một số địa phương thấp hơn mặt bằng chung, như An Lão, Vĩnh Bảo, Dương Kinh…
Mặt khác, Cục Thuế sẽ tiến hành rà soát tất cả khoản thu trên địa bàn, khai thác tăng thu bù đắp vào các khoản hụt thu, tập trung vào các doanh nghiệp, các hộ mới ra kinh doanh, các nhà hàng, khách sạn, hộ cho thuê nhà, cho thuê địa điểm kinh doanh, lập sổ bộ thuế để quản lý thu thuế, phấn đấu quản lý 100% số tổ chức, cá nhân nộp thuế. Đồng thời, rà soát các phí, lệ phí được phép thu theo quy định như phí vệ sinh môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác tài nguyên khoáng sản, phí trông giữ xe ô tô, xe máy, phí tham quan danh lam thắng cảnh, phí xây dựng…
Khoản thu tiền sử dụng đất vẫn được thành phố lưu ý các địa phương tập trung cao hơn, cụ thể là thu qua đấu giá quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, các nghĩa vụ tài chính như tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, phấn đấu đạt 600 tỷ đồng trở lên (6 tháng mới đạt 262,3 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức gặp gỡ, tọa đàm và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bằng việc triển khai lấy ý kiến phản ánh của các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Từ đó thực hiện phân nhóm, tổ chức liên tiếp 2 hội nghị để nghe phản ánh và trả lời, giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Đặc biệt là giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thuộc hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệp hội doanh nghiệp taxi, hiệp hội doanh nghiệp vận tải, đồng thời rút kinh nghiệm có thể tổ chức hàng quý đối thoại với các hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần vào công tác thu nộp ngân sách ngày một hiệu quả hơn…
Năm 2014 là năm bắt đầu triển khai thực thi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó, đáng chú ý là Luật Thuế TNDN đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút và khuyến khích đầu tư. Đối với Luật Thuế GTGT, việc bổ sung cơ chế ngưỡng doanh thu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ là giải pháp quan trọng nhằm cải cách thủ tục hành chính, qua đó giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế.
Trên cơ sở những ưu đãi về thuế, ngành thuế sẽ tiếp tục cùng các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế...