Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: thanh tra 726 hồ sơ, truy thu và phạt 1.094 tỷ đồng

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Có được kết quả này là do Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tuân thủ nguyên tắc lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân tích, đánh giá rủi ro trong kê khai, nộp thuế; đảm bảo chấp hành đúng quy chế, quy trình nghiệp vụ; đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý và các thông tin cần đối chiếu để vừa tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, vừa đảm bảo hiệu quả việc triển khai nhiệm vụ.

6 tháng đầu năm 2014, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra tại cơ quan thuế 60.358 hồ sơ kê khai. Nguồn: internet
6 tháng đầu năm 2014, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra tại cơ quan thuế 60.358 hồ sơ kê khai. Nguồn: internet
Trong 6 tháng đầu năm, các phòng thanh tra của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành 726 hồ sơ thanh tra, dù chỉ đạt 43,21% về số hồ sơ theo kế hoạch, song tổng số thuế truy thu và phạt qua thanh tra đạt 1.094 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với việc triển khai nhiệm vụ chung theo kế hoạch được giao, Cục Thuế đã lựa chọn đối tượng để thực hiện công tác thanh tra theo 8 chuyên đề lớn.

Theo đó, việc triển khai thanh tra đối với 2 DN có giao dịch liên kết trong lĩnh vực dệt may, da giày là Công ty TNHH Lạc Tỷ và Công ty Sambuvia Sporst, đã truy thu cho NSNN 20 tỷ đồng; thanh tra 4 DN trọng điểm, ngân sách đã có thêm 11,2 tỷ đồng tiền thuế truy thu và phạt; thanh tra 3 DN xuất nhập khẩu tại chỗ, cơ quan thuế đã xử lý truy thu và phạt 51 triệu đồng, điều chỉnh giảm lỗ 2,7 tỷ đồng; thanh tra 7 DN theo chuyên đề xây dựng và 3 DN ngành quảng cáo truyền thông, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành truy thu 5,8 tỷ đồng, điều chỉnh giảm khấu trừ 2,1 tỷ đồng, giảm lỗ 6,4 tỷ đồng.

Đặc biệt với chuyên đề chuyển nhượng vốn, chỉ với 2 DN được thanh tra, tổng số thuế truy thu và phạt đã lên tới 175 tỷ đồng, giảm lỗ 31,4 tỷ đồng; với các đối tượng nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, việc lựa chọn 26 hồ sơ để thực hiện đã cho kết quả truy thu và phạt 3,3 tỷ đồng, giảm lỗ 61,4 tỷ đồng và giảm khấu trừ 2,5 tỷ đồng. Riêng đối với 75 địa chỉ thanh tra được chọn ra từ 292 DN có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, Cục Thuế đã xác định 48 DN bỏ địa điểm kinh doanh, 5 DN giải thể, ngừng kinh doanh, loại trừ thêm 1 DN đã chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra và 14 DN đang trong quá trình thực hiện tranh tra, kiểm tra, thì với 7 DN đã thanh tra, ngân sách đã có thêm 687 triệu đồng tiền thuế truy thu, truy hoàn và phạt, giảm khấu trừ và giảm lỗ 7,2 tỷ đồng.

Cũng trong nửa đầu năm 2014, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra tại cơ quan thuế 60.358 hồ sơ kê khai với số thuế kê khai bổ sung và ấn định đạt 95 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; kiểm tra tại 5.364 DN, số thuế truy thu và phạt 1.719 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, mặc dù hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đã ghi nhận thêm những bước tiến so với những năm trước khi số lượt hồ sơ, DN thanh, kiểm tra thuế giảm nhưng số truy thu cho ngân sách tăng, tuy nhiên thực tế triển khai công tác này đang cho thấy nhiều bất cập, vướng mắc. Càng ngày yêu cầu đổi mới phương pháp thanh, kiểm tra càng đòi hỏi cơ sở pháp lý, tính khoa học và trình độ chuyên môn cao, trong khi hệ thống chính sách, quy trình nghiệp vụ để triển khai nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thiện; cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác phân tích, lựa chọn đối tượng và xác minh, xử lý trong quá trình thanh tra, kiểm tra vừa khuyết thiếu, vừa chưa được kiểm chứng do phần lớn các thông tin lưu giữ tại cơ quan thuế là từ hồ sơ khai thuế của DN.

Bên cạnh đó, việc phân ngành kinh tế hiện nay còn nhiều bất cập, các DN khi xin giấy phép thành lập thường đăng ký nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nhưng hệ thống dữ liệu lại không xác định được ngành nghề chính DN đang hoạt động, dẫn đến việc phân tích, đánh giá, so sánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các đối tượng gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, nguồn nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra lại vừa thiếu về số lượng, vừa không đồng đều về nghiệp vụ chuyên môn nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi khối lượng công việc ngày một nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao và nhất là các thủ đoạn trốn thuế, lách thuế của DN ngày càng tinh vi, phức tạp.

Để vượt qua những trở ngại vốn không dễ giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn này, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ công chức (CBCC) trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra phải nghiên cứu, nắm chắc hệ thống cơ chế chính sách thuế, quy trình nghiệp vụ, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp để vừa thực hiện đúng pháp luật, vừa giải thích, hướng dẫn thuyết phục DN. Các phòng chức năng tại Văn phòng Cục Thuế và các chi cục thuế phải thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế, trên cơ sở đó tiến hành phân loại các trường hợp có dấu hiệu vi phạm để đưa vào diện kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế.

Đặc biệt, các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra trong hệ thống phải phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra để tránh chồng chéo và nhất quán trong xử lý. Từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thanh, kiểm tra để đảm bảo hoàn thành kế hoạch, các phòng chức năng, chi cục thuế tiếp tục triển khai công tác thanh tra theo các chuyên đề: nông lâm thuỷ hải sản, dệt may, da giày, giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn...; tăng cường kiểm tra các lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao như: hoàn thuế, quản lý hoá đơn, thương mại điện tử, chuyển giá...

Để hỗ trợ kịp thời cho công tác này, Cục Thuế Thành phố đã lên kế hoạch cơ cấu lại lực lượng thanh tra, kiểm tra, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và giáo dục phẩm chất chính trị cho CBCC; tổ chức trao đổi đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng những cách làm hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát các đoàn công tác để vừa quản lý chặt chẽ CBCC, vừa đảm bảo việc triển khai thanh, kiểm tra đúng pháp luật với hiệu quả ngày càng cao hơn.