Cục Thuế Yên Bái với sáng kiến đưa tuyên truyền pháp luật thuế vào trường học
Bằng sáng kiến đưa tuyên truyền pháp luật thuế vào trường học, đến nay việc giảng dạy chính sách, pháp luật thuế trong hệ thống nhà trường ở tỉnh Yên Bái đã nằm trong kế hoạch dạy học hàng năm của hệ thống giáo dục và đào tạo. Sáng kiến này của Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã giúp hàng vạn học sinh, giáo viên cán bộ quản lý giáo dục hiểu biết về pháp luật thuế, từ đó tác động tới từng gia đình và toàn thể cộng đồng.
Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là một việc làm cần thiết và quan trọng của cơ quan thuế các cấp. Nó không chỉ giúp cho người nộp thuế có những hiểu biết về thuế để thực hiện tốt nghĩa vụ Thuế với ngân sách nhà nước mà còn góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc biệt, trong Chiến lược cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế thì vai trò của công tác tuyên truyền càng cần được quan tâm. Làm sao để mọi người dân tự giác thực hiện các quyền và nghĩa vụ về thuế? Làm sao để các cơ quan thuế chuyển đổi được cơ chế quản lý thuế từ quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang hỗ trợ người nộp thuế thực hiện tốt việc tự tính- tự khai- tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thuế? Đó là một câu hỏi cần có lời giải.
Trong thời gian qua, cục thuế các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có nhiều biện pháp, sáng kiến, cách làm trong công tác tuyên truyền pháp luật thuế. Cục Thuế tỉnh Yên Bái sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, trao đổi, bàn bạc, xin ý kiến của lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã mạnh dạn chọn một cách làm mới, đó là đưa việc tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế vào nhà trường qua các bài học các kiến thức về thuế và việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Việc chọn giải pháp tuyên truyền bằng con đường nhà trường vì nhiều lý do:
Thứ nhất, giáo dục được hiểu là thông qua các tác động nhằm làm thay đổi về nhận thức và chuyển biến về chất lượng thái độ, tình cảm của con người. Giáo dục về thuế là thông qua kiến thức về thuế như chức năng, vai trò của thuế, chính sách thuế của Nhà nước, học sinh, sinh viên có những hiểu biết cơ bản về thuế tạo hành trang kiến thức, để các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực về thực hiện pháp luật thuế trong gia đình và cộng đồng; khi ra trường các em có nhận thức và kỹ năng sống đúng đắn, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của mình trong việc nộp thuế, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặt khác, việc đưa nội dung tuyên truyền về thuế vào hệ thống nhà trường không chỉ tác động trực tiếp tới đối tượng học sinh mà còn tác động tới cả đối tượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh. Điều đó không những có tác dụng trong việc giáo dục thực hiện chính sách, pháp luật thuế nói riêng mà còn có tác dụng giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân trong việc thực hiện các chính sách- pháp luật khác của Nhà nước nói chung.
Thứ hai, Yên Bái là một tỉnh vùng núi, nhiều dân tộc, trình độ dân không đồng đều. Ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thì nhà trường luôn là một trung tâm văn hóa, xã hội lớn nhất của địa phương. Chọn nhà trường làm khâu đột phá trong công tác tuyên truyền sẽ có sức lan tỏa lớn, tác động lớn toàn cộng đồng và xã hội.
Thứ ba, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Thuế mà cần có sự phối hợp của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên toàn địa bàn. Có như vậy việc tuyên truyền về thuế mới có sức sống và được sự tham gia, đóng góp, đón nhận của toàn xã hội.
Từ những nhận thức trên, sau khi làm việc với Sở Giáo dục & Đào tạo, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã xây dựng Đề án triển khai chương trình tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế trong trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái và trình lãnh đạo Tỉnh. Ngày 5/5/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định 690/QĐ -UBND phê duyệt Đề án và thành lập Ban chỉ đạo đề án, thành lập ban biên soạn tài liệu và hướng dẫn phương pháp giảng dạy gồm các cán bộ chuyên môn của Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế của Cục Thuế và các giảng viên của Cao đẳng Sư phạm Tỉnh.
Để việc thực hiện đề án có hiệu quả, Ban Chỉ đạo đề án đã chia quá trình thực hiện thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Trong năm học 2008 - 2009, tổ chức biên soạn tài liệu thí điểm, tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy thí điểm tại 47 trường học các cấp trong địa bàn Tỉnh với các vùng, miền, điều kiện khác nhau từ thành thị tới vùng nông thôn, từ vùng thấp tới vùng cao, học sinh dân tộc thiểu số. Sau dạy thí điểm, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện tài liệu.
Giai đoạn 2: Trong năm học 2009 - 2010, triển khai tuyên truyền trên diện rộng. Với Ban Biên soạn tài liệu, công việc đầu tiên là lựa chọn các nội dung cần tuyên truyền, sao cho vừa bảo đảm được những nội dung cơ bản, cần thiết hiểu biết về thuế, lại vừa phù hợp với các đối tượng học sinh và quỹ thời gian giảng dạy trong nhà trường.
Để tài liệu có tính thiết thực, tính vừa sức và tính khả thi, công việc biên soạn được tiến hành thành 2 bước: Bước 1, biên soạn tài liệu dạy học thí điểm. Sau khi tiến hành dạy học thí điểm, sẽ hội thảo, rút kinh nghiệm để thực hiện bước 2, chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện thành tài liệu chính thức dùng cho dạy học trên diện rộng. Các nội dung được lựa chọn biên soạn thành tài liệu gồm: Bản chất, chức năng, vai trò của thuế; Hệ thống, chính sách thuế; Chính sách thuế ở Việt Nam; Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cá nhân, các cơ quan, các tổ chức xã hội với công tác thuế.
Công việc tiếp theo là chuyển các nội dung trên thành các đơn vị bài học của các cấp học, lớp học từ bậc học mầm non đến bậc học chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra là đơn giản, ngắn gọn, không quá tải, không vi phạm quy định của Luật Giáo dục, có sự phát triển, nâng cao, phù hợp với mức độ nhận thức và tâm lý lứa tuổi của từng đối tượng học sinh, tạo được sự chú ý, quan tâm, hứng thú học tập, tìm hiểu của học sinh, sinh viên.
Trên tinh thần đó, ban biên soạn tài liệu đã chọn cách lồng ghép, tích hợp các nội dung tuyên truyền, giáo dục về thuế vào các môn học có phần quỹ thời gian dành cho việc dạy học các nội dung địa phương. Với bậc học mầm non, tích hợp vào 8 chủ đề học tập của lớp mẫu giáo 5 tuổi, gồm các chủ đề: gia đình, nhà trường, nghề nghiệp, thế giới thực vật, thế giới động vật, các hiện tượng tự nhiên, Bác Hồ - quê hương - đất nước, thông qua trò chơi ghép tranh, tìm hiểu truyện tranh và môi trường xung quanh. Với bậc tiểu học, tích hợp vào môn tiếng Việt, giáo dục đạo đức, thông qua những truyện kể ngắn gọn, sinh động và sự liên hệ có liên quan đến thuế. Với bậc trung học cơ sở và bậc trung học phổ thông, tích hợp vào môn giáo dục công dân thông qua các bài học, gồm các nội dung: “Những điều cần biết về thuế”, “Những vấn đề chung về thuế”, “Hệ thống, chính sách thuế”, “Chính sách thuế Việt Nam”. Với bậc học chuyên nghiệp được tổ chức thành đơn vị học trình “Đại cương về thuế”, lồng ghép, tích hợp vào học phần giáo dục pháp luật, quản lý Nhà nước, quản lý Ngành.
Cùng với việc tích hợp, lồng ghép vào các môn học trên dưới hình thức bài học là sự tích hợp các kiến thức về thuế một cách hợp lý, nhẹ nhàng, đơn giản, sinh động, không gò ép vào việc giảng dạy các bài học của các môn học khác. Nhiều khi chỉ là một ví dụ, một liên hệ, so sánh, mở rộng giáo viên trong quá trình giảng dạy các bài học khác cũng đã là một sự tích hợp có hiệu quả.
Tài liệu được biên soạn bao gồm 9 cuốn cho 5 bậc học, trong đó có tài liệu dành cho học sinh (tương đương với sách giáo khoa) và tài liệu dành cho giáo viên (tương đương với Sách giáo viên) của Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành. Ban chỉ đạo cũng đã thành lập tổ giáo viên dạy thực hành, minh họa tại các trường trên địa bàn thành phố Yên Bái. Các tiết dạy thực hành, minh họa có các cán bộ ngành Thuế, giảng viên, giáo viên ngành giáo dục dự giờ để xem xét, đánh giá và góp ý, sửa chữa cho cả nội dung và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Sau tiết dạy có sự kiểm tra kết quả, thái độ học tập của học sinh bằng hình thức trắc nghiệm.
Tháng 9/2008, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tỉnh, Ban Chỉ đạo cùng tổ giáo viên đã tổ chức tập huấn dạy học tài liệu thuế cho giáo viên các trường dạy thí điểm. Trong thời gian 3 ngày, các giáo viên đã được bồi dưỡng các kiến thức về thuế và phương pháp dạy học tài liệu thuế, dự các tiết dạy thực hành, minh hoạ. Các tiết dạy thực hành, minh hoạ đều được Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh quay băng hình để phổ biến tới tất cả các đơn vị trường dạy học thí điểm trên địa bàn. Các tiết học sôi nổi, hào hứng, học sinh hiểu bài ngay tại lớp. Các giáo viên tham dự tập huấn đã tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm để chuẩn bị cho việc dạy thí điểm.
Để việc dạy học thí điểm có hiệu quả, Ban Chỉ đạo đề án đã thành lập các Ban chỉ đạo cấp huyện với các thành phần, trong đó, cán bộ ngành Thuế là lực lượng nòng cốt, cố vấn, hỗ trợ quá trình tổ chức dạy học thí điểm.
Kết thúc năm học 2008- 2009 cũng là kết thúc giai đoạn 1 của Đề án đưa nội dung tuyên truyền về thuế vào nhà trường. Trên cơ sở tổng hợp kết quả, thăm dò ý kiến phản hồi của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, tài liệu dạy học đã được chỉnh lý, bổ sung cả nội dung kiến thức và phương pháp giảng dạy để có những nội dung chọn lọc, tinh giản nhất, sự tích hợp và phương pháp dạy học tốt nhất khi triển khai dạy học trên diện rộng. Các nội dung chỉnh lý cơ bản là: giải thích rõ hơn về một số thuật ngữ chuyên ngành Thuế, bổ sung thêm các ví dụ minh họa, bổ sung thêm 5 bộ tranh ghép dùng cho bậc học Mầm non, biên soạn thêm tài liệu tham khảo dành cho giáo viên, nhằm trang bị nâng cao các kiến thức về thuế cho giáo viên khi giảng dạy các nội dung về thuế cho học sinh. Tổng số đã in ấn 200 nghìn cuốn sách, 6.000 đĩa tiết giảng dạy minh họa để phục vụ cho việc dạy học về thuế trên diện rộng.
Năm học 2009 - 2010, giai đoạn 2 của Đề án tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế tiếp tục được triển khai trên diện rộng với 454/573 trường (chỉ trừ các trường thuộc các xã vùng 135). Tổng số tiết dạy trên diện rộng với tất cả các bậc học là 18.826 tiết. Trong đó, bậc học mầm non 5.956 tiết, tại 132/173 trường học, với 8.351 học sinh; bậc tiểu học 2.999 tiết, tại 165/196 trường, với 42.856 học sinh; bậc trung học cơ sở 7.371 tiết, tại 136/155 trường, với 33.169 học sinh; bậc trung học phổ thông 2.500 tiết, tại 25/25 trường, với 20.958 học sinh; bậc học chuyên nghiệp 600 tiết, tại 7/7 trường, với 3.432 sinh viên. Ngoài các tiết dạy trong chương trình chính khóa, nhiều hoạt động ngoại khóa cũng được tổ chức như: các cuộc thi “Tìm hiểu về thuế”, biểu diễn các tiểu phẩm về đề tài thuế của học sinh và cả phụ huynh học sinh tại các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường chuyên nghiệp, Đặc biệt, cuộc thi “Rung chuông vàng về thuế” của Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, TP. Yên Bái đã được tổ chức rất hấp dẫn, hứng thú với học sinh, giáo viên.
Kết thúc giai đoạn 2, Ban Chỉ đạo đã tiến hành lấy ý kiến về kết quả thực hiện Đề án với các Ban Giám hiệu, các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh. Đã có 879/890 (chiếm 98,7%) phiếu của Ban Giám hiệu các nhà trường đánh giá việc tuyên truyền có hiệu quả; có 10.993/12.094 (chiếm 90,9%) phiếu của học sinh, sinh viên đánh giá việc tuyên truyền là cần thiết; có 122/127 (chiếm 96%) phiếu của nhân dân đồng ý việc đưa các nội dung tuyên truyền về thuế vào nhà trường. Về tính bền vững của Đề án, các ý kiến được phỏng vấn đều đề nghị, đồng ý, ủng hộ việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về thuế trong nhà trường. Đến nay, việc giảng dạy chính sách, pháp luật thuế trong hệ thống nhà trường tỉnh Yên Bái đã nằm trong kế hoạch dạy học hàng năm của Sở và các Phòng Giáo dục & Đào tạo và đi vào nề nếp tại các nhà trường.
Đề án tuyên truyền, giáo dục về thuế trong nhà trường đã thành công tốt đẹp cả về việc tổ chức thực hiện và hiệu quả của công tác tuyên truyền. Về mặt lý luận, nó khẳng định việc đưa giáo dục chính sách, pháp luật thuế vào hệ thống nhà trường là phù hợp với quan điểm giáo dục, đào tạo toàn diện để học sinh, sinh viên trở thành những công dân tốt của đất nước; phù hợp với việc cải cách các thủ tục hành chính về thuế theo tinh thần Tuyên ngôn của hệ thống Thuế: “Minh bạch – Chuyên nghiệp – Liêm chính – Đổi mới”.
Về mặt thực tiễn, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế trong nhà trường đã có những tác động tích cực tới trên 150.000 học sinh, sinh viên, trên 13.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và thông qua đó tác động tới từng gia đình và toàn cộng đồng. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về thuế và hình ảnh người cán bộ thuế, tạo nên ý thức chấp hành các chính sách, pháp luật Thuế Nhà nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái và các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần vào kết quả thu ngân sách nhà nước của Tỉnh luôn hoàn thành chỉ tiêu thu được tăng lên trong những năm qua.