Cuộc cách mạng tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân
Nếu như trước đây, khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một bộ phận của nền kinh tế, sau đó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thì nay, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã có một bước tiến quan trọng, đặt kinh tế tư nhân vào vị trí “trung tâm”, là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với nhiều giải pháp mang tính đột phá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết số 68-NQ/TW là đổi mới tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân, đặt kinh tế tư nhân vào vị trí “trung tâm” trong phát triển kinh tế đất nước. Thông điệp này truyền đi rất rõ ràng và mạnh mẽ.
Khu vực kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12/1986. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đổi mới, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài, còn kinh tế tư nhân được khuyến khích trong một số lĩnh vực và chỉ giữ vai trò thứ yếu.
Giai đoạn 1988-1990 là bước ngoặt đầu tiên đối với khu vực kinh tế tư nhân. Quan điểm nhìn nhận về kinh tế tư nhân được thay đổi, từ không được thừa nhận, chuyển sang được thừa nhận hợp pháp và bắt đầu cho phép được hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn này có đóng góp rất tích cực cho các hoạt động kinh tế xã hội, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, tuy nhiên vẫn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản và thiếu khung pháp lý rõ ràng để hoạt động.

Năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời, một lần nữa quan điểm của Việt Nam đối với khu vực tư nhân cởi mở hơn. Kinh tế tư nhân được làm, được kinh doanh trong những ngành nghề mà Nhà nước không cấm, thay vì chỉ được làm trong một số lĩnh vực hạn chế mà Nhà nước cho phép như trước đó.
Luật Doanh nghiệp 2000 được đánh giá như một trong những cải cách kinh tế thành công nhất của Việt Nam, đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân ra đời và có thêm nhiều không gian phát triển.
Những năm tiếp theo, Luật Doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện, trợ lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế. Khu vực này đã tạo lượng lớn việc làm cho nền kinh tế và là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Với những đóng góp thực tiễn và vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước thời gian qua, Nghị quyết số 68-NQ/TW-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí xứng đáng là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân được giao sứ mệnh là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế.
“Nếu như trước đây, chúng ta xác định khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế, sau đó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thì nay, Nghị quyết số 68-NQ/TW-NQ/TW đã có một bước tiến quan trọng khi khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi chia sẻ với báo chí về Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Với tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW, doanh nghiệp được trao lại những quyền chính đáng, được bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước. Những quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, song trên thực tế song vẫn còn tồn tại không ít rào cản, gây hạn chế quyền tự do này của doanh nghiệp.
Nhà nước sẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn và kịp thời xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Kinh tế tư nhân còn được tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia và "tiếp sức" để có thể vươn tầm khu vực, thế giới.
Nghị quyết số 68-NQ/TW-NQ/TW là bước ngoặt đột phá “lịch sử” về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, sẽ là một “cú huých” rất lớn, truyền cảm hứng để khu vực kinh tế tư nhân phát huy sức mạnh, khơi thông nguồn lực, giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới.
Nghị quyết số 68-NQ/TW-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.