Cuộc chiến chống lạm phát của Fed đang gây ra ảnh hưởng rõ nét lên kinh tế Mỹ


Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,1% trong quý I/2023, thấp hơn so với dự báo 2% của các chuyên gia trước đó. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ như vậy giảm đáng kể

Nền kinh tế Mỹ đang chững lại. Ảnh: Fortune
Nền kinh tế Mỹ đang chững lại. Ảnh: Fortune

Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,1% trong quý I/2023, thấp hơn so với dự báo 2% của các chuyên gia trước đó. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ như vậy giảm đáng kể

Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý I/2023 chững lại đáng kể bất chấp việc chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện vẫn đang tiếp tục với kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ.

Theo số liệu tính toán ban đầu của Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Năm, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,1% trong quý I/2023, thấp hơn so với dự báo 2% của các chuyên gia trước đó. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ như vậy giảm đáng kể so với con số 2,6% vào quý cuối của năm 2022.

Trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước khác đồng thời cao hơn Mỹ. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% nhờ vào chi tiêu tiêu dùng phục hồi sau khi chính quyền Bắc Kinh chấm dứt chính sách không COVID-19.

Số liệu kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu trong giai đoạn quý I/2023 sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu và dự kiến cho thấy mức tăng trưởng 1,4%. Vào ngày thứ Năm, số liệu GDP của Bỉ và Thụy Điển cũng cao vượt kỳ vọng.

Sự chững lại của kinh tế Mỹ cho thấy cuộc chiến dài hơi của Fed chống lại lạm phát đang bắt đầu phát huy tác dụng. Tính từ tháng 3/2023, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã nâng lãi suất chính sách từ ngưỡng gần 0% lên chưa đầy 5%, và như vậy ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.

Giới chức Mỹ dự kiến sẽ có đợt nâng lãi suất 0,25% trong tuần sau, theo đó, lãi suất liên bang sẽ lên ngưỡng mục tiêu từ 5% đến 5,25%. Sau đó, giới chức Mỹ sẽ cân nhắc đến việc hãm phanh quá trình siết chặt chính sách tiền tệ.

Nền kinh tế một số nước phương Tây hiện vẫn đang chật vật với tình trạng giá cả tăng cao. Vào đầu tháng này, số liệu chính thức từ Anh cho thấy lạm phát tháng 3/2023 thấp hơn so với kỳ vọng nhưng tuy nhiên vẫn ở ngưỡng 2 con số.

Trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán sau khi số liệu GDP Mỹ được công bố. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 2 năm, vốn có diễn biến theo sát kỳ vọng lãi suất, tăng 0,16% lên 4,01%. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng 0,1 điểm phần trăm lên 3,53%.

Dù rằng kinh tế Mỹ đã hạ nhiệt đà tăng trưởng, số liệu vào ngày thứ Năm cho thấy kinh tế Mỹ vẫn có động lực tăng trưởng tốt. Tăng trưởng tiêu dùng ở ngưỡng cao giúp bù đắp cho việc tồn kho giảm và đầu tư nhà ở kinh doanh chững lại.

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Invesco, bà Kristina Hooper, tuy nhiên vẫn băn khoăn về một số chỉ số: “Nếu nhìn sâu hơn vào những con số, có thể thấy tiêu dùng người dân vẫn tăng trưởng tích cực. Việc chứng kiến tăng trưởng tiêu dùng cao sẽ có thể khiến Fed nâng lãi suất mạnh tay hơn kỳ vọng”.

Chi tiêu tiêu dùng người dân sau điều chỉnh với lạm phát tăng trưởng 3,7%, cao hơn so với mức tăng trưởng 1% của quý cuối năm 2022.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Bank of America, ông Aditya Bhave, phân tích: “Ban đầu, dường như đó là số liệu GDP tích cực. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ hơn có thể thấy các yếu tố tích cực chủ yếu xuất hiện trong tháng 1/2023. Việc xu thế tăng trưởng tích cực này có tiếp diễn sang quý 2 hay không lại là câu chuyện khác”.

Một số quan chức khẳng định rằng việc chiến dịch kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương Mỹ hãm phanh vào tháng 6/2023 sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nước này đánh giá lại tình hình và ảnh hưởng của những quyết định chính sách năm vừa qua. Ngoài ra, hiện cũng không thể loại bỏ việc sẽ có thêm những đợt điều chỉnh chính sách theo hướng siết chặt.

Theo Trung Mến/nhipsongkinhdoanh.vn