“Cuộc chiến” đàm phán Brexit: EU giành thắng lợi bước đầu

Theo enternews.vn

Anh đã thua trận chiến đầu tiên với Liên minh Châu Âu (EU) về thời điểm cho các cuộc đàm phán Brexit khi trưởng nhóm đàm phán EU đã cảnh báo rằng hậu quả của việc rời bỏ khối sẽ là "đáng kể".

Anh đã thua trận chiến đầu tiên với Liên minh Châu Âu (EU) về thời điểm cho các cuộc đàm phán Brexit. Nguồn: Internet
Anh đã thua trận chiến đầu tiên với Liên minh Châu Âu (EU) về thời điểm cho các cuộc đàm phán Brexit. Nguồn: Internet

Vào ngày đầu tiên của cuộc đàm phán, chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã nhượng bộ các yêu cầu của EU về việc thảo luận về các điều khoản của việc ly hôn, bao gồm cả phí rời khối - trước khi bắt đầu cân nhắc các thỏa thuận thương mại tương lai mà Anh muốn có với thị trường chung châu Âu.

Trưởng nhóm đàm phán EU, Michel Barnier, thẳng thắn cảnh báo rằng một hiệp định như vậy sẽ không được đưa ra cho đến khi Anh rời đi trong vòng chưa đầy 2 năm. Đó là một sự bác bỏ rõ ràng cho tham vọng của bà May về việc ký kết một hiệp định thương mại tự do mới một cách nhanh chóng.

"Tôi không trong trạng thái để nhượng bộ”, Barnier nói với các phóng viên vào cuối ngày đàm phán đầu tiên tại Brussels. “Anh đã quyết định rời khỏi EU, chứ không phải là ngược lại”. Lập trường này là “không phải về hình phạt" hay "trả thù", mà chỉ đơn giản là hậu quả của quyết định Brexit, ông nói. "Những hậu quả đó là đáng kể."

Đồng hồ đếm ngược

Các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit của Anh David Davis và Barnier đã đánh dấu kết thúc của sự khởi đầu của những gì mà cả hai bên cho là một quá trình phức tạp và đối đầu để phá vỡ hơn bốn thập niên làm thành viên của khối. Đồng hồ đang đếm ngược đến ngày 29/3 năm 2019, khi Anh rời khỏi EU, dù có hay không có một thỏa thuận.

Gần một năm sau khi các cử tri Anh quyết định rời bỏ khối, Davis đã dẫn đầu một nhóm các quan chức bắt đầu các cuộc đàm phán với Barnier tại tòa nhà Berlaymont của Ủy ban châu Âu hôm thứ 2.

Ông bác bỏ những suy đoán rằng Anh có thể tìm cách làm dịu Brexit bằng cách cố gắng ở lại thị trường chung và liên minh thuế quan miễn thuế của EU. "Chúng tôi cần mang trở lại nước Anh quyền kiểm soát luật lệ và kiểm soát biên giới của chúng tôi”, ông cho biết.

Chỉ một tháng trước, Davis cho biết ông muốn thảo luận song song về thỏa thuận thương mại trong tương lai và các điều khoản ra đi của Anh - bao gồm cả một yêu cầu phí rời khối là 100 tỷ euro (112 tỷ USD).

Nước Anh "ý thức rõ ràng về cách họ sẽ sử dụng chuỗi thời gian đó để gây áp lực cho chúng tôi, và chúng tôi sẽ tìm mọi cách tránh rắc rối đó", Davis nói với ITV vào ngày 14/5. Đến thứ 2, ông đã từ bỏ cuộc chiến.

Thỏa thuận công bằng

Davis cho biết Anh chưa lùi bước. Khi EU "quyết định rằng chúng ta đã có những bước tiến – những từ ngữ của họ - cả hai cuộc đối thoại sẽ tiếp tục, bao gồm thương mại tự do", ông cho biết. Anh và EU hy vọng giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán tập trung vào các điều khoản rời khối sẽ kết thúc vào tháng 10, cho phép đàm phán thương mại bắt đầu.

Cả hai bên đều muốn nhấn mạnh đến mong muốn làm việc tích cực và đạt được một thỏa thuận công bằng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị sau khi Anh rời đi. Ưu tiên hàng đầu của họ là trấn an ước tính khoảng 4,5 triệu công dân châu Âu và Anh đang sống tại Anh và các nước châu Âu rằng họ sẽ không bị buộc phải bỏ nhà hoặc tìm việc làm mới sau Brexit.

Bà May, người vừa hứng chiu một thất bại gây sốc trong cuộc bầu cử tháng này và đánh mất đa số ở nghị viện, sẽ trình bày về vấn đề cư trú cho các công dân EU và quyền lao động tại một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu tại thủ đô của Bỉ vào cuối tuần này. Sau đó, bà sẽ xuất vạch ra chi tiết về đề nghị của bà vào thứ 2, Davis nói.

Giải quyết vấn đề tranh cãi của việc duy trì biên giới mở và hòa bình tỉnh Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cũng sẽ là một ưu tiên cấp bách trong các cuộc đàm phán, Barnier và Davis nhất trí.

Bất chấp những cử chỉ ngoại giao, quy mô của thách thức nhanh chóng trở nên rõ ràng, khi cả Davis và Barnier công khai thừa nhận nguy cơ các cuộc đàm phán có thể trở nên quá nóng một cách nguy hiểm. "Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để gạt tình cảm sang một bên", Barnier nói. "Sẽ không có sự thù hằn ở phía tôi”.

Các cuộc đàm phán bắt đầu trong bối cảnh bất ổn tại Anh sau khi quyết định kêu gọi bầu cử sớm của bà May phản tác dụng và bà bị chỉ trích gay gắt vì phản ứng của bà đối với vụ hỏa hoạn khủng khiếp tại toà tháp ở London.

Đảng Bảo thủ của bà May giờ đang phải đàm phán chia sẻ quyền lực với Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, trong khi bà đang chịu áp lực từ một số bộ trưởng để tìm kiếm một Brexit mềm dẻo hơn.