Hậu bầu cử Anh: Tương lai bất định cho Brexit
Thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử ở Anh vừa qua đã không chỉ đẩy chính trường xứ sở sương mù vào tình thế bấp bênh, mà còn ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu về tiến trình thoái lui của nước này, được gọi là Brexit.
Nguy cơ bị trì hoãn
Thủ tướng Theresa May đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 8/6 vừa qua, với hy vọng có thể giành chiến thắng, nhằm củng cố sự lãnh đạo của bà và đảng Bảo thủ trong suốt quá trình đàm phán Brexit. Tuy nhiên, kết quả bầu cử đã không như kỳ vọng, khi đảng Bảo thủ đánh mất thế đa số trong Nghị viện.
Thiếu 8 ghế để giành thế đa số tại Hạ viện, đảng Bảo thủ đang xúc tiến đàm phán với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP - đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland) được 10 ghế trong cuộc bầu cử vừa qua để thành lập liên minh cầm quyền. Những diễn biến mới này có thể khiến Chính phủ hoãn kế hoạch đệ trình các chính sách mới lên Nghị viện nước này, làm ảnh hưởng tới kế hoạch, trong khi các cuộc đàm phán về Brexit với EU được dự kiến bắt đầu vào ngày 19/6 tới.
Các hãng đánh giá tín dụng Moody’s và S&P cho rằng, kết quả bầu cử có thể khiến việc khởi động các cuộc đàm phán về Brexit trở nên phức tạp và có khả năng bị trì hoãn. Trong khi những ý kiến ủng hộ thúc giục Chính phủ tiếp tục với kế hoạch đã định, những người phản đối lại muốn trì hoãn để “xem xét lại” việc đàm phán.
Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu về Brexit Michel Barnier cũng cảnh báo, các cuộc đàm phán về Brexit có thể bị hoãn tới một năm do EU cần điều chỉnh lại lộ trình, nếu Anh vẫn kiên định lập trường trong các cuộc đàm phán về Brexit.
Chính phủ của bà May yêu cầu tiến hành đồng thời các cuộc đàm phán về Brexit và đàm phán về thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và EU. Bà May có hai năm để đạt được thỏa thuận với EU, song bà cũng nhiều lần tỏ ý sẵn sàng rời khỏi bàn đám phán bất cứ lúc nào nếu cần thiết, với tuyên bố cứng rắn “thà không đạt được thỏa thuận nào còn hơn một thỏa thuận tồi”.
Nhà lãnh đạo Anh muốn giảm lượng người nhập cư, trước mối lo ngại của người dân đối với dòng người di cư từ các nước EU sang. Trong khi đó, EU muốn bảo đảm việc Anh ra đi sẽ không gây ra nhiều xáo trộn hay thiệt hại, cũng như ngăn chặn hiệu ứng domino hậu Brexit.
Bình luận trên trang Twitter sau khi kết quả bầu cử ở Anh được công bố, ông Barnier cho rằng, “Chúng tôi không biết khi nào các cuộc đàm phán Brexit sẽ bắt đầu, nhưng biết chắc một điều rằng quá trình này sẽ phải kết thúc. Anh cần tìm cách tốt nhất để tránh kết cục không đạt được thỏa thuận nào, do không có các cuộc đàm phán”.
Tuy nhiên, trước những lo lắng trên, bà May đã khẳng định, Anh đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với EU, thay vì tiến hành các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật giữa các quan chức của hai bên về việc Anh thoái lui khỏi EU.
Trong cuộc họp diễn ra tại cung điện Westminster ngày 12/6 vừa qua, Thủ tướng Anh cũng đã xin lỗi đảng Bảo thủ vì kết quả không được như mong đợi và khẳng định sẽ tiếp tục cương vị lãnh đạo đất nước chừng nào đảng cầm quyền còn tin tưởng bà. Nữ lãnh đạo này cam kết, sẽ tháo gỡ tình thế khó khăn hiện nay, vực dậy uy tín của đảng và nhấn mạnh, cần xây dựng tinh thần thống nhất mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đàm phán Brexit sắp tới.
Chơi vơi giữa hai lựa chọn
Thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử hồi tuần trước không chỉ khiến chính trường Anh rối ren hơn, mà còn khiến kế hoạch chuẩn bị cho kịch bản Brexit “cứng” của bà May có khả năng tiêu tan. Trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Anh tuyên bố, có thể theo đuổi lựa chọn Brexit “cứng”, tức Anh sẽ không ở lại trong thị trường chung châu Âu mà thay vào đó muốn tìm kiếm thỏa thuận thương mại tự do mới với EU.
Tuy nhiên, sau bầu cử, lựa chọn Brexit “mềm”, tức Anh rời khỏi EU nhưng vẫn ở lại trong thị trường chung châu Âu, một lần nữa được đặt ra trên bàn nghị sự.
Nghị sĩ Công đảng Keir Starmer, người giữ vị trí “Ngoại trưởng” trong Nội các lập sẵn của đảng đối lập nêu rõ, Công đảng muốn giữa lựa chọn ở lại thị trường chung của EU trên bàn đàm phán và chỉ trích đảng Bảo thủ gạt bỏ lựa chọn này.
Trong khi đó, báo chí Anh cũng đưa tin, một số thành viên cấp cao trong Nội các của đảng Bảo thủ đã tiến hành những cuộc họp bí mật với các thành viên Công đảng để tìm kiếm một hướng đi “mềm mỏng hơn” cho các cuộc đàm phán Brexit.
Cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg cho rằng, kết quả cuộc tổng tuyển cử không làm thay đổi được kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, nhưng đã định hình lại quá trình thoái lui khỏi EU. Việc không có đủ đa số ghế trong cơ quan lập pháp và chỉ nhận được một sự ủng hộ hạn chế từ DUP không đủ để bảo đảm chắc chắn cho phương án Brexit “cứng” của bà May.
Trong khi đó, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng May và Tổng thống Pháp Macron ngày 13/6, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định, cánh cửa EU vẫn mở rộng cho đến khi các cuộc đàm phán Brexit kết thúc, ám chỉ việc London vẫn còn cơ hội suy nghĩ lại về việc ra đi hay ở lại.