Cuộc chiến giành thị phần gọi xe 2 tỷ USD
Cuộc "đổ bộ" của hàng loạt tân binh mới vào thị trường gọi xe Việt Nam trong một thời gian ngắn báo hiệu một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm giành "miếng bánh" sẽ sớm đạt giá trị 2 tỷ USD này.
Theo nghiên cứu mới nhất của Google và Temasek, thị trường gọi xe trực tuyến của Việt Nam xếp hàng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, với quy mô 500 triệu USD, dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào 2025, tốc độ tăng trưởng hàng năm của giai đoạn 2018- 2025 là 29%.
Liên tiếp có "tân binh"
Tháng 3/2018, khi Grab kéo Uber "về chung một nhà" đã mở ra thời kỳ gần như "một mình một chợ" của hãng xe này trên thị trường. Cũng kể từ thời gian đó, tài xế và hành khách lo ngại loại hình gọi xe công nghệ của Grab độc quyền vì tính cạnh tranh đã bị triệt tiêu đi và hãng có thể tự đơn phương tăng giá cước thời gian tới.
Thực tế, sau đó, khách hàng liên tục than phiền Grab về việc giá cước tăng cao so với thời điểm trước khi Grab mua lại Uber cũng như việc hủy cuốc, thái độ, tác phong không tốt của tài xế.
Tuy nhiên, chỉ từ một tháng sau, hàng loạt "tân binh" liên tiếp xuất hiện để cùng chia sẻ "miếng bánh" thị trường gọi xe 500 triệu USD, như: Vato, Go-Viet, Fastgo, Aber… Chưa dừng lại đó, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải trong nước cũng tích cực triển khai dịch vụ này như: MVL, Mai Linh, T.Net…
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt thương hiệu gọi xe mới xuất hiện đã tạo nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Để giành thị phần lớn trong "miếng bánh" nửa tỷ USD, không còn cách nào khác, các DN buộc phải cạnh tranh bằng giá cước. Hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá được các hãng tung ra nhằm hút khách.
Grab cũng không thể ngồi yên và phải đưa ra nhiều ưu đãi "khủng" để giữ chân cả khách hàng và tài xế như: Giảm giá đến 50% giá cước khi khách hàng thanh toán bằng ví điện tử GrabPay by Moca, tặng chuyến đi trị giá 30.000 đồng cho khách hàng…
Điều này đã tạo nên hiệu ứng buộc các "tân binh" phải lao vào cuộc đua giảm giá. Điển hình, có thời điểm Go-Viet tung ra chương trình khuyến mãi đồng giá 10.000 đồng tất cả chuyến xe tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Đại diện Go-Viet cho biết, chỉ sau 6 tuần chính thức hoạt động tại Việt Nam, hãng này đã có trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh, 1,5 triệu lượt tải ứng dụng cùng 35.000 đối tác ở cả TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo dự đoán của Google và Temasek, thị trường gọi xe Việt Nam ước tính đạt giá trị 2 tỷ USD vào năm 2025. Với dư địa còn lớn như vậy, sắp tới, thị trường xe công nghệ sẽ còn sôi động hơn khi có thêm nhiều đơn vị trong và ngoài nước sẽ triển khai dịch vụ tại Việt Nam.
Chẳng hạn, một ứng dụng gọi xe nội địa tên gọi là "be" dự kiến sẽ "chào sân" trong tuần này.
Trước sự xuất hiện liên tiếp của các ứng dụng gọi xe mới, theo một số chuyên gia, người hưởng lợi đầu tiên là khách hàng. Để cạnh tranh, các đơn vị có thể chấp nhận lỗ để tung ra các chính sách khuyến mãi, cải tiến chất lượng nhằm thu hút khách.Vì vậy, các DN này phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, nếu không sẽ hụt hơi trong cuộc chiến đường dài.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia tư vấn chiến lược của một DN gọi xe đánh giá tiềm năng của thị trường là rất lớn nhưng không phải là "miếng bánh ngon ăn". Muốn thành công trong cuộc chơi lớn này, nhà đầu tư phải sẵn sàng chi mạnh, chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, cả về tài chính lẫn công nghệ, chấp nhận lỗ giai đoạn đầu để duy trì sự ủng hộ của người dùng.
Thực tế, đã có không ít "chiến binh" xuất hiện rồi lặng lẽ ra đi, hoặc có chăng là sống "vật vờ". Như Yoko Cab của Nhật Bản chưa đầy 2 tháng sau khi ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh đã ra thông báo ngưng hoạt động vĩnh viễn. Fastgo, Vato đều đang hoạt động khá im ắng. Aber thậm chí còn thê thảm hơn khi thông báo tạm ngưng hoạt động nhưng chưa thấy hẹn ngày "tái ngộ".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù có "khỏe" đến mấy, các DN cũng không thể khuyến mãi mãi được. Vấn đề là sau cuộc đua "đốt tiền" giành khách, giành tài xế, các hãng xe công nghệ phải chứng minh được sự vượt trội về dịch vụ và cách làm ăn bài bản mới giữ chân được khách hàng.
DN Việt với tiềm lực tài chính yếu hơn DN ngoại khó có thể "đối đầu" bằng cách chạy đua khuyến mãi, giảm giá, mà thay vào đó nên đầu tư phần mềm thật thông minh, nhanh nhạy, đáp ứng sự trải nghiệm của khách hàng.
Ngoài ra, có thể lựa chọn cách tránh đối đầu trực diện với những đối thủ lớn bằng việc đi vào các thị trường ngách, ví dụ như gọi xe chở hàng, thuê xe hay xe đường dài. Thay vì ý định ngay lập tức chia lại thị trường, những ứng dụng mới nên đi theo một chiến lược dài hơi, gây dựng chỗ đứng từng bước…