Tương lai số và vấn đề việc làm
Những bước phát triển đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, robot, xe tự lái và mạng lưới vạn vật kết nối (IoT)… đang tạo ra nhiều thay đổi lớn với cường độ chưa từng thấy, làm thay đổi cách sống, làm việc của chúng ta. Để thích ứng và thành công, ngoài việc ứng dụng các công nghệ, các doanh nghiệp cần phải xây dựng nguồn nhân lực có những kỹ năng mới.
Theo một Báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, mặc dù chỉ có dưới 5% số nghề nghiệp có thể được tự động hóa hoàn toàn thông qua sử dụng các công nghệ số, song gần như mọi nghề nghiệp đều có tiềm năng ứng dụng công nghệ tự động hóa, bao gồm cả những công việc có mức độ kỹ năng trung bình và kỹ năng cao, thậm chí người làm những công việc, như: tài chính, luật và y tế… cũng có khả năng bị thay thế bởi công nghệ tự động hóa.
Những công nghệ mới nói trên đang buộc các công ty phải tái cấu trúc, định hình lại hoạt động kinh doanh để trở thành các doanh nghiệp có khả năng thích ứng với thực tiễn là mức độ cộng tác giữa con người và máy móc sẽ ngày càng cao hơn, nhất là việc người lao động sẽ thực hiện những công việc hỗ trợ cho máy móc và ngược lại.
Do đó, khái niệm truyền thống về công việc và việc làm sẽ không còn phù hợp nữa và để cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức tương lai, môi trường làm việc hiện đại sẽ đòi hỏi có một thế hệ người lao động mới có khả năng đi tiên phong trong những phương thức hoàn toàn mới với những kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu cao hơn.
... nhưng con người vẫn là tâm điểm
Trước xu thế không thể đảo ngược của tương lai số, các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới đã sớm nhận thức được nhu cầu phải cải tiến, tích hợp tự động hoá để giải quyết các vấn đề về chi phí lao động, sự khan hiếm nhân công… để đảm bảo tính đồng nhất, chất lượng và độ linh hoạt trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Xu thế số hoá, tự động hoá là không thể đảo ngược |
Tuy nhiên, ngay cả khi lĩnh vực sản xuất đã đạt được mức độ tự động hóa cao hơn, con người và trí tuệ của con người vẫn là những thành tố chính trong tất cả các ngành sản xuất.
Như thế, trong môi trường nhà máy tương lai, con người và máy móc sẽ cùng phối hợp làm việc để tối ưu hóa quy trình sản xuất và rõ ràng chỉ riêng con người hoặc riêng máy móc sẽ không mang lại những kết quả như mong muốn. Ở đây phải khẳng định rằng, con người vẫn là yếu tố then chốt quyết định năng suất làm việc, hiệu suất và sự thành công của tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh dù đã được số hóa.
Và để thích ứng, các doanh nghiệp cần phải hỗ trợ và đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên của họ những kỹ năng làm việc trong điều kiện có sự “cộng tác” ngày càng chặt chẽ với máy móc trên nền tảng công nghệ số mới có thể gặt hái thành công trong nền kinh tế số.