Cuộc chiến hàng không tại Châu Á - Thái Bình Dương
Sự phát triển của nền kinh tế tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tạo điều kiện cho lượng hành khách di chuyển bằng máy bay tăng lên đáng kể. Song, các hãng hàng không nổi tiếng tại khu vực này như Singapore Airlines và Cathay Pacific Airways đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Sự cạnh tranh quyết liệt này là một tin đáng mừng cho hành khách vì nó trực tiếp dẫn đến việc giảm giá vé máy bay. Tuy nhiên, nó cũng kéo theo cả sự đầu tư thái quá, vốn có thể gây ra nhiều khó khăn trong tương lai.
Để ứng phó với tình trạng này, nhiều hãng hàng không đang phải bước vào giai đoạn tái cấu trúc đồng thời tìm kiếm nhiều phương pháp mới để tăng doanh thu cũng như điên cuồng cắt giảm chi phí.
Trong báo cáo kết quả tài chính được công bố vào tháng 5/2017, Singapore Airlines cho biết đã lỗ 138 triệu USD trong quý I/2017, quý đầu tiên thua lỗ trong vòng 5 năm trở lại đây. Sau sự kiện này, Singapore Airlines và Giám đốc điều hành Goh Choon Phong đã phải bắt tay vào triển khai một "chương trình cải tổ” kéo dài 3 năm. Trọng tâm của chương trình này là việc cắt giảm các thủ tục rườm rà và đề xuất một hệ thống quản lý doanh thu mới, trong đó cho phép hành khách đặt chỗ ngồi trước với chi phí là 5 USD.
Tính đến nay, đã 16 năm kể từ khi AirAsia giới thiệu mô hình hàng không giá rẻ tại thị trường khu vực. Và, cuối cùng thì các "ông lớn" như Singapore Airlines cũng đã phải học hỏi và áp dụng một số chiến lược kinh doanh từ "cậu em" giá rẻ AirAsia, điều vốn đã được những hãng hàng không lớn tại châu Âu và Mỹ thực hiện từ rất lâu. Ông Brendan Sobie, chuyên viên phân tích tại Công ty Tư vấn hàng không CAPA nhận định: "Điều mà Singapore Airlines đang tiến hành không phải là thứ gì đó mới mẻ trong ngành hàng không. Họ chỉ đang đi theo xu hướng mà thôi".
Hiện các hãng hàng không lớn tại châu Á đều đối diện cùng một vấn đề - sụt giảm doanh thu vé máy bay. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), mức lợi tức hành khách, tức doanh thu hãng hàng không thu được cho mỗi cây số chở khách, đã giảm xuống trong vòng 3 năm liên tiếp, từ 2014 đến 2016.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tình trạng này lại diễn ra trong khu vực mà nhu cầu di chuyển bằng máy bay tăng nhanh nhất thế giới. Lý giải cho tình trạng này chính là sức ép vô cùng lớn đến từ các hãng hàng không giá rẻ. Hàng không giá rẻ đã khiến cho các hãng hàng không lớn phải chật vật đương đầu, để có thể giữ chân các "thượng đế”, họ buộc phải giảm giá vé.