Cuộc chiến không tiếng súng

Theo daibieunhandan.vn

Không chỉ có biển, không khí, mặt đất, vũ trụ mà cả không gian mạng cũng là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia. Là một đất nước nổi tiếng nghiêm khắc trong vấn đề giữ gìn an ninh, Nhật Bản cũng không tránh khỏi việc là đích ngắm cho các “gián điệp điện tử”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Mối nguy an ninh đến từ nhiều hướng

Theo số liệu của cảnh sát năm 2012, có tới hơn 1 nghìn cuộc tấn công vào mạng của các tổ chức Nhật Bản bằng những loại virus có thể ăn cắp thông tin từ các máy tính bị lây nhiễm.

Tháng 6/2015, Cơ quan phụ trách hưu trí của Nhật cho biết, dữ liệu cá nhân của 1,25 triệu người trong chương trình hưu trí công đã bị rò rỉ sau khi tin tặc tấn công hệ thống của tổ chức này.

Thống kê của truyền thông Nhật Bản cho thấy, nhiều cơ quan chính phủ, thậm chí cả website cá nhân của Thủ tướng Shinzo Abe đều là nạn nhân của các vụ tấn công tương tự.

Tình trạng “trộm cắp trực tuyến” tại xứ sở “mặt trời mọc” cũng gia tăng báo động. Chỉ tính riêng tháng 4/2014, có 50 vụ tin tặc xâm nhập và đánh cắp tiền từ các tài khoản trực tuyến của các doanh nghiệp Nhật với số tiền bị mất lên đến 2 triệu USD. Các khách hàng của hai ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng là Mitsubishi Financial và Mizuho Financial từng là nạn nhân của các vụ tấn công này.

Trước những vụ trộm cắp táo tợn trên, các nhà lập pháp Nhật Bản quan ngại chúng có thể gây ra tình trạng khó khăn và phá sản theo dây chuyền cho những doanh nghiệp nhỏ.

Một điều đáng bàn là phần lớn thủ phạm gây ra các vụ ăn trộm trực tuyến là các hacker Trung Quốc. Theo cảnh sát Nhật, các nhóm tin tặc đến từ Trung Hoa Đại lục xâm nhập vào các tài khoản ngân hàng Nhật Bản bằng cách lừa đảo khách hàng mở những phần mềm độc hại hoặc tiết lộ mật khẩu. Sau đó, chúng tìm mọi cách rút tiền mặt, chuyển mua hàng hóa gửi về Trung Quốc, bán lấy tiền và tổng hợp lại cho kẻ cầm đầu.

Không chỉ có chính trị, tài chính, ngân hàng là mảnh đất màu mỡ cho các cuộc tấn công mạng, các lĩnh vực khác như giao thông, vận tải, ngành công nghiệp xe hơi ở nước này cũng là những đích ngắm của những tên tội phạm tin học.

Có thể kể đến vụ tấn công vào làm tê liệt website của sân bay Narita của Nhật hồi đầu năm do nhóm tin tặc Anonymous nổi tiếng tiến hành. Hoặc gần đây nhất, những tên tội phạm công nghệ đã “hack” thành công chiếc Outlander của hãng chế tạo xe hàng đầu Misubishi bằng cách truy cập và vô hiệu hóa hệ thống báo động trên xe.

Thậm chí, tin tặc còn có thể chiếm quyền điều khiển, khiến phương tiện rơi vào tình trạng mất kiểm soát thông qua hệ thống điều khiển từ xa của xe. Điều này khiến nhà sản xuất bắt buộc phải nâng cấp các phần mềm trên sản phẩm của mình để giải quyết vấn đề an ninh mạng.

Không thể khoanh tay

Hiện nay, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Năm 2013, sau khi có thông tin trên internet Trung Quốc lan rộng lời hiệu triệu tạo lập những cuộc tấn công mới nhằm vào các trang web chính thức của xứ phù tang, Chính phủ Nhật Bản đã tiếp nhận một cách nghiêm túc những đe dọa như vậy.

Ngay lập tức, Bộ Nội vụ đã tổ chức huấn luyện kỹ năng phòng, chống các cuộc tấn công mạng cho các công chức làm việc trong những ban ngành trọng yếu.

Cảnh sát Nhật đã mở hàng loạt các cuộc truy quét tội phạm mạng và bắt giữ 133 đối tượng, trong đó có 83 người mang quốc tịch Trung Quốc. Tháng 1/2015, Nhật Bản đã thành lập Trung tâm quốc gia về Chiến lược an ninh mạng và sẵn sàng ứng phó sự cố. Để bảo đảm vấn đề an toàn trong lĩnh vực này, tháng 6 vừa qua, chính quyền của ông Abe đã cho công bố dự thảo chính sách an ninh mạng.

Theo đó, Nhật Bản sẽ mở rộng và tăng cường hoạt động giám sát các vụ nhằm vào các cơ quan công quyền. Dự thảo cũng đưa ra một tiêu chuẩn đồng bộ hơn trong việc xử lý thông tin của các cơ quan Chính phủ và trong hoạt động giám sát mạng của các tổ chức Nhà nước. Nhận thức được việc không thể đơn phương trong cuộc chiến đối phó với loại tội phạm nguy hiểm này, Nhật Bản tìm cách phối hợp với các quốc gia khác.

Ngay từ những năm cuối của thập kỷ trước, Tokyo đã ủng hộ tích cực việc thành lập UNODC (tổ chức phòng chống tội phạm và ma túy của LHQ), đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước để giúp cải thiện khả năng chống lại tội phạm bao gồm cả tội phạm mạng.

Các “đại gia” như Mỹ và Nhật cũng có kế hoạch trợ giúp các nước nhỏ hơn, trong đó có cả các thành viên khối ASEAN trong việc tăng cường điều tra tội phạm tin học, nhằm ngăn chặn các gián điệp điện tử.