Cuộc chiến trường kỳ
(Tài chính) Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lo ngại về tình trạng cho vay sân sau, sở hữu chéo. Lo ngại này xuất phát từ thực tế: sở hữu chéo chằng chịt trong hệ thống ngân hàng hiện nay đang phá vỡ tiêu chuẩn an toàn tín dụng, quản trị rủi ro. Cũng vì thế, không chỉ vốn điều lệ, mà các số liệu khác như tổng tài sản, nợ xấu, hệ số an toàn vốn… đều có nguy cơ ảo.
Trong năm 2013, cơ quan Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành gần 1.000 lần thanh tra và trên 300 lần kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng trên khắp cả nước.
Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra này, NHNN đã nghi ngờ một số nhóm khách hàng là sân sau của các ông chủ ngân hàng. Theo ước tính của một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực ngân hàng, dư nợ cho vay sân sau của các ngân hàng có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Cho vay sân sau chính là căn nguyên của nợ xấu, song kể cả khi đã biến thành nợ xấu, thì các ông chủ ngân hàng vẫn không muốn bán đi.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định, có tình trạng ngân hàng thương mại dành hàng ngàn tỷ đồng cho ông chủ ngân hàng và tập đoàn của ông chủ vay. Tuy nhiên, sức khỏe của các món nợ này đến nay ra sao thì vẫn chưa rõ.
Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã vào cuộc kiểm tra một số ngân hàng bị nghi tăng vốn điều lệ ảo. Trong số đó, có những ngân hàng đã buộc phải bổ sung vốn điều lệ cho đủ 3.000 tỷ đồng. Cũng trong hai năm qua, NHNN đã xử lý được một số ngân hàng yếu kém, dọn dẹp được một phần sở hữu chéo.
Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia, chống sở hữu chéo là cuộc chiến trường kỳ mà NHNN đang ở giai đoạn bắt đầu, vừa chiến đấu, vừa dè chừng. Chưa kể, cơ chế pháp lý xử lý những vi phạm trong sở hữu chéo cũng chưa đầy đủ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, sở hữu chéo bây giờ phát hiện ra hết, tuy nhiên có xử lý ngay được đâu. Thị trường hiện nay người bán nhiều, người mua ít. Lại rất khó tìm người thực sự có khả năng tài chính, có tiền nhàn rỗi thật, không vay mượn. Nếu người mua không có tiềm lực tài chính lành mạnh, rất có thể lại tạo ra sở hữu chéo mới. Vì thế, xử lý ngay sở hữu chéo theo mệnh lệnh hành chính sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
ThS. Nguyễn Minh Phương (Học viện Ngân hàng) cho rằng, để tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới, cần cấp bách giải quyết vấn đề tiêu cực trong sở hữu chéo đang hình thành một cách mạnh mẽ, khó kiểm soát.
Muốn vậy, phải minh bạch hóa thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu, thậm chí cần phải cưỡng chế bằng những biện pháp hành chính, cũng như xử phạt nặng đối với các cá nhân và tổ chức tín dụng tìm cách lách luật, lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, thao túng thị phần.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giai đoạn đầu, NHNN có thể khuyến khích, vận động các ông chủ sở hữu chéo công khai thông tin và đưa ra lộ trình thoái vốn. Sau giai đoạn vận động, các trường hợp cố tình che giấu sẽ bị xử lý nghiêm.