Cuộc chơi của các “ông lớn”

Theo Phương Thảo/qdnd.vn

Vận tải đường biển lâu nay vốn được coi là chiếc “xương sống” của thương mại toàn cầu, khi có đến 80% lượng hàng hóa cung ứng toàn cầu được vận chuyển qua đường biển, từ đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng, linh kiện ô tô, nguyên vật liệu sản xuất... đến các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp...

Thế nhưng nửa đầu năm 2021, thế giới chứng kiến một cuộc đua phi mã về giá cước vận tải biển, góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát lên nền kinh tế toàn cầu.

Vào thời điểm này trong năm, các công ty kinh doanh sản xuất đồ chơi, đồ trang trí cho kỳ lễ Giáng sinh đã bắt đầu chốt đơn hàng và tiến hành vận chuyển sản phẩm của mình đến các nhà bán lẻ để phân phối. Nhưng năm nay, theo một báo cáo của Tập đoàn The Toy Association có trụ sở tại New York, Mỹ thì giá cước vận chuyển container đường biển đã tăng tới 500% so với trước đại dịch Covid-19. Thậm chí, nhiều nhà sản xuất đồ chơi cho hay, họ đang bị tính phí vận chuyển 3.000-4.000USD trước đây lên 20.000-25.000USD hiện nay cho một container kích thước 40 feet, trên cùng một chặng đường.

Còn trong công bố mới đây của Công ty Tư vấn vận tải biển Drewry Shipping, giá cước vận chuyển container kích thước 40 feet bằng đường biển từ Thượng Hải, Trung Quốc tới Rotterdam, Hà Lan hiện là 10.522USD, mức cao chưa từng thấy và tăng 547% so với mức bình quân của thời điểm này trong 5 năm trở lại đây.

Một con tàu vận tải container của hãng Maersk. Ảnh: Port.today
Một con tàu vận tải container của hãng Maersk. Ảnh: Port.today

Những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng cồng kềnh nhưng giá trị không cao như đồ chơi và đồ nội thất giá rẻ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất. Với mức tăng chóng mặt hiện nay, cước vận tải đã chiếm hơn 60% giá bán lẻ sản phẩm của họ (theo Alan Murphy, CEO của công ty tư vấn Sea-Intelligence ở Copenhagen, Đan Mạch).

Riêng đối với Việt Nam-quốc gia có tới 95% sản lượng hàng hóa xuất khẩu theo đường biển, giá cước tăng phi mã khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có giá trị thấp. Bởi vậy, dù kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng ấn tượng (tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng hiệu quả không cao, chưa kể có doanh nghiệp chấp nhận xuất lỗ đơn hàng để duy trì hoạt động và giữ chân khách hàng.

Trước đây, chi phí vận chuyển đường biển được coi là không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát bởi nó chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong chi phí cho sản phẩm. Tuy nhiên, với giá cước vận chuyển bằng container tăng phi mã như hiện nay (205%), dĩ nhiên sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao.

Vậy vì sao giá cước vận tải biển những tháng đầu năm 2021 lại tăng phi mã?

Điều này có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: Đầu tiên là do sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 và xu hướng mua sắm trực tuyến tăng vọt, dẫn đến nhu cầu vận tải hàng hóa tăng theo. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh, thặng dư thương mại lớn, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu lớn hơn nhiều lần lượng hàng nhập khẩu ngược trở lại (trung bình cứ 3 container xuất đi mới có 1 container nhập về). Hệ quả là nhiều container rỗng kẹt lại ở châu Âu, trong khi khu vực có lượng hàng hóa xuất đi lớn là châu Á lại khan hiếm, gây ra cuộc khủng hoảng thiếu container hồi đầu năm 2021.

Tiếp đó là sự cố tàu vận tải container lớn nhất thế giới Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi tháng 3. Ước tính 400 tàu vận tải phải bất động nằm chờ, làm tê liệt tuyến vận tải đường biển quan trọng vốn chiếm đến 15% công suất vận tải biển của toàn thế giới, lượng hàng hóa bị tắc nghẽn gây thiệt hại 9 tỷ USD mỗi ngày.

Một nguyên nhân không thể không nhắc tới là sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19. Hồi tháng 6, dịch bùng phát ở khu vực tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc-nơi có cảng Thâm Quyến và cảng Quảng Châu, là cảng biển lớn thứ 3 và thứ 5 trên thế giới, khiến nhiều khu vực bị phong tỏa, hoạt động vận tải biển bị gián đoạn. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở cảng Ninh Ba-Chu San, một trong những cảng container đông đúc nhất thế giới. Bên cạnh đó, đại dịch khiến vận tải hàng không gần như bị đóng băng do biện pháp hạn chế đi lại của nhiều nước, khiến nhiều loại hàng hóa có giá trị cao vốn được vận chuyển bằng đường không như điện thoại iPhone giờ cũng phải chuyển sang đường biển.

Những nguyên nhân kể trên không chỉ trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng cước phí trong ngành vận tải biển mà nó còn cho thấy tầm quan trọng của những tuyến hàng hải huyết mạch cũng như những tác động của vận tải đường biển đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là bản chất mối quan hệ cung cầu dịch vụ vận tải biển đã thay đổi và quyền kiểm soát tình thế đang ở trong tay các "ông lớn"-các hãng tàu.

Theo dữ liệu của Alphaliner, tính đến tháng 3-2021, APM Maersk của Đan Mạch là công ty vận tải biển container lớn nhất thế giới. APM Maersk sở hữu 713 tàu container với tổng công suất chở hàng 4,1 triệu TEU (đơn vị đo lường sức chứa hàng hóa của container 6,1m tiêu chuẩn). Cứ 5 container vận tải trên biển thì có 1 chiếc thuộc sở hữu của Maersk. Tiếp đến là hãng vận tải quốc tế Thụy Sĩ MSC với công suất chở hàng là khoảng 3,9 triệu TEU. Theo sau là COSCO và CMA-CGM với công suất 3 triệu TEU...

Để đối phó với tình trạng giá cước vận tải biển tăng phi mã, các doanh nghiệp sẽ buộc phải lựa chọn: Hoặc tạm ngừng nhập hàng, hoặc tăng giá sản phẩm, hoặc chấp nhận tự chịu chi phí gia tăng để sau này chuyển gánh nặng lên người tiêu dùng. Dù là lựa chọn nào thì cuối cùng đều dẫn đến giá sản phẩm tăng và người tiêu dùng là người phải gánh chịu.