Cuộc đua bán hàng online của ngành hàng F&B
Ở thời điểm hiện tại, kể từ khi các nền tảng giao nhận thức ăn xuất hiện rầm rộ, thì bán hàng online đã trở thành một phần quan trọng của các DN nói chung, cửa hàng F&B nói riêng và trở thành xu thế tất yếu của thời đại.
Theo thống kê của Công ty Dcorp R-Keeper Việt Nam, hiện nay cả nước có đến 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ, 7.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và trên 80.000 nhà hàng được đầu tư, phát triển một cách bài bản. Cùng với sự hội nhập và phát triển của xã hội, đời sống ngày càng được nâng cao, qua từng năm, con số những cửa hàng cũng tăng lên một cách nhanh chóng, chất lượng ngày càng được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và thị hiếu người sử dụng dịch vụ.
Cũng chính vì vậy, thị trường thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) Việt Nam cũng liên tục thu hút nguồn đầu tư từ nhiều DN trong và ngoài nước, gia nhập vào sự đa dạng của chuỗi kinh doanh toàn cầu. Số liệu nghiên cứu từ Statista cho thấy, doanh thu từ thị trường F&B tại Việt Nam trong năm 2019 chạm mốc 200 tỷ USD, tăng 34,3% so với số liệu của năm 2018. Và dự kiến đến năm 2023, doanh thu của ngành này có thể tăng gấp đôi lên xấp xỉ 408 tỷ USD. Cùng với dân số thuộc tầng lớp trung lưu gia tăng, ước đạt quy mô 45 triệu vào năm 2025, khiến cho thị trường F&B tiếp tục trở thành một “miếng bánh” hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo ông Chử Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV), với nền tảng ngành ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng, mang đậm màu sắc dân tộc, được nhiều chuyên gia quốc tế dự đoán sẽ tạo ra một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc cho người tiêu dùng nội địa lẫn du khách quốc tế. Tuy nhiên, đã đến lúc ngành ẩm thực Việt Nam hội nhập thế giới và phải tuân thủ các chuẩn mực của thế giới để phát triển bền vững. Vấn đề của ngành F&B Việt Nam chính là cần những mô hình kinh doanh hiệu quả, được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi, ứng dụng công nghệ trong quản lý và truyền thông quảng bá thương hiệu.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 có xu hướng lan rộng và diễn biến phức tạp, cùng số lượng người phải cách ly tại nhà và tập trung đang tăng lên, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách, trong đó có cả việc yêu cầu những cửa hàng phục vụ ăn uống có quy mô, công suất phục vụ lớn tạm thời đóng cửa để tránh tụ tập đông người, dễ lây lan virus corona, khiến cho tình hình khó kiểm soát. Trước vấn đề đặt ra, không ít DN trong ngành F&B lựa chọn đóng cửa điểm bán offline tập trung đông đúc để chuyển hướng sang phục vụ online.
Theo nhận định của chuyên gia, chiến lược này mang đến cho các DN F&B một số lợi ích nhất định, như trong bối cảnh hiện nay, các chủ cửa hàng, DN cũng không khỏi nơm nớp lo sợ chẳng may có thực khách nào đó vào quán mang theo mầm bệnh hoặc liên quan đến người lây nhiễm virus corona, lúc này sẽ xảy ra tình trạng nhân viên bị cách ly, cửa hàng nhiều khả năng bị đóng cửa một thời gian dài và chắc chắn tình hình kinh doanh của quán sẽ ảnh hưởng. Ngoài ra, việc tạm ngưng cửa hàng có thể nhanh chóng cắt giảm chi phí vận hành, trả lương nhân viên…
Đồng thời chuyển từ bán hàng offline sang online sẽ giúp cửa hàng mở rộng thêm đối tượng khách hàng, hội nhập tốt hơn với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, để chuyển từ mô hình bán hàng truyền thống sang online hoàn toàn không phải điều dễ dàng mà bất cứ một DN nào nếu không có sự chuẩn bị và một nền tảng vững vàng có thể thành công được.
Còn nhớ câu chuyện của Golden Gate - một trong những DN lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực F&B, quản lý khoảng hơn 200 cửa hàng với 20 thương hiệu, với sự lựa chọn “nói không với các dịch vụ đặt hàng online” cho đến tận cuối năm 2019, bất kể nhiều DN lớn nhỏ đua nhau hướng đến thị trường online. Thế nhưng, vừa qua trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, kéo dài, cuối cùng Golden Gate cũng đã mở dịch vụ đặt hàng qua mạng với một vài thương hiệu lớn như GoGi, Ashima, Kichi Kichi, Huton và Manwah... Điều này cho thấy không gì là không thể xảy ra và trong từng hoàn cảnh, điều kiện nhất định các DN phải tự tìm cách thích ứng.
Bàn về vấn đề này, một chuyên gia ngành hàng F&B nhấn mạnh, không ít DN với quy mô cồng kềnh cũng như hệ thống quản lý phân tầng phức tạp, quá trình chuyển đổi từ offline sang online sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với các cửa hàng nhỏ lẻ hay startup. Song ở thời điểm hiện tại, kể từ khi các nền tảng giao nhận thức ăn xuất hiện rầm rộ, thì bán hàng online đã trở thành một phần quan trọng của các DN nói chung, cửa hàng F&B nói riêng và trở thành xu thế tất yếu của thời đại.