Cuối năm thị trường có gì?
Điều chỉnh, trầm lắng, bứt phá vào những ngày cuối cùng là xu hướng khá phổ biến của thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm. Vậy cuối năm 2017 sẽ như thế nào?
Nửa đầu tháng 12, VN-Index đã có một loạt phiên điều chỉnh khi giảm từ 970 điểm xuống 900 điểm, rồi sau đó phục hồi trở lại. Diễn biến này cũng khá trùng khớp với xu hướng thị trường cuối những năm trước đây khi thường chùng lại vào giai đoạn đầu tháng. Bỏ qua những biến cố có tính bất ngờ thì xu hướng của thị trường trong tháng cuối năm thường được chi phối bởi một số yếu tố sau đây:
Thứ nhất, giai đoạn tháng 12 thường cũng là lúc các quỹ nước ngoài chuẩn bị cho một đợt nghỉ lễ dài, vì vậy khối lượng giao dịch cũng giảm đi phần nào. Như đã biết, phần nhiều giao dịch của khối ngoại lại tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, ảnh hưởng đến chỉ số chứng khoán nên khi dòng tiền khối ngoại giảm đi cũng sẽ tác động chung đến thị trường.
Cổ phiếu vốn hoá lớn lình xình, chỉ số không tăng mạnh thì thị trường cũng kém khởi sắc. Đó là còn chưa nói đến chuyện khối ngoại cũng có thể xem xét chốt lãi, như trong năm 2017 là một năm cực kỳ thành công đối với nhiều quỹ thì việc này cũng dễ hiểu.
Thứ hai, trong các tháng cuối quý bao gồm tháng 3, 6, 9 thường sẽ xuất hiện kỳ vọng về kết quả kinh doanh. Nhưng riêng với tháng 12 câu chuyện sẽ khác đi. Thông thường kết quả kinh doanh quý III được xem là quan trọng bậc nhất vì gần như khả năng hoàn thành kế hoạch hay viễn cảnh khả quan/tiêu cực sẽ được vẽ ra sau giai đoạn này.
Năm 2017 ghi nhận thị trường đã tăng rất mạnh trong tháng 9 và tháng 10 cũng có nguyên nhân từ đây. Vậy nên kỳ vọng tháng 12 với kết quả năm cũng có phần giảm xuống. Tất nhiên, cũng không loại trừ một số ngành có cao điểm vào nửa cuối năm thì kết quả kinh doanh quý IV vẫn còn nhiều bất ngờ. Có thể kỳ vọng vào doanh nghiệp sẽ bị chùng xuống trong ngắn hạn.
Ở đây có ý kiến cho rằng, kỳ vọng vào năm 2018 cũng đang xuất hiện. Điều này không sai, tuy nhiên để hình thành một kỳ vọng vững chắc cần các thông tin nhiều hơn từ phía doanh nghiệp.
Thứ ba, trong khoảng thời gian kỳ vọng giữa năm cũ và năm mới, luôn có những kỳ vọng dành cho thị trường chung hoặc từng nhóm ngành. Giai đoạn cuối 2014 đầu 2015, xuất hiện sóng cổ phiếu ngân hàng, tương tự như vậy, cuối 2015 đầu 2016 là cổ phiếu thép và cuối 2016, đầu 2017 là cổ phiếu bất động sản, chứng khoán và nhóm cổ phiếu mới lên sàn.
Năm 2017 này, thị trường cũng đang chờ đợi những nhóm cổ phiếu tương tự như vậy có sức bật trở lại. Một năm 2017 rất thành công của thị trường chứng khoán mở ra những kỳ vọng lớn lao hơn cho năm 2018. Đơn cử, những ngày này, khi thị trường hồi phục trở lại mốc 950 điểm kỳ vọng của nhà đầu tư lại là mốc 1.000 điểm.
Trở lại đầu năm 2017, sự lạc quan dành cho thị trường là có, nhưng có lẽ ít ai nghĩ đến việc VN-Index có thể hướng đến mốc 1.000 điểm vào những ngày cuối năm này. Và cũng không loại trừ khả năng, khi mốc 1.000 điểm được VN-Index chinh phục thì các ngưỡng tiếp theo như 1.100 điểm, hay 1.200 điểm cũng được hướng đến.
Cũng phải làm rõ thêm, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017 đã thay đổi rất nhiều khi trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất. Vì vậy, dòng vốn ngoại sẽ vẫn dành sự lưu tâm đặc biệt cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cộng với việc hàng hoá trên thị trường tiếp tục tăng, thông qua những đợt IPO, đưa CP lên sàn cũng sẽ góp phần thu hút dòng tiền.
Tất nhiên năm 2018 sẽ còn rất nhiều những kỳ vọng, kèm theo đó cũng có thể là rủi ro dành cho thị trường chứng khoán. Nhưng giai đoạn cuối năm luôn tồn tại những cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận trong lúc giao thời.