Cứu thị trường chứng khoán, Bắc Kinh “cưỡi trên lưng hổ”
Những biện pháp của Chính phủ Trung Quốc nhằm cứu vãn thị trường chứng khoán khỏi đà sụt giảm đã giúp đưa chỉ số Shanghai Composite có lúc trở lại trên mốc 4.000 điểm. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh vừa mới khẳng định các biện pháp cứu thị trường phát huy hiệu quả, thì chỉ số này lại một lần nữa lao dốc.
Các biện pháp can thiệp quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả việc điều tra các hành vi bán khống “ác ý” đã mang lại hiệu quả, khi đà sụt giảm bước đầu được ngăn chặn ngày 9.7. Tới ngày 20.7, chỉ số Shanghai Composite đã có một số lần vượt ngưỡng 4.000 điểm. Tại thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu đã tuyên bố, về mặt kỹ thuật, giai đoạn chấn động trên thị trường chứng khoán đã cơ bản kết thúc và các biện pháp giải cứu đã đạt được mục tiêu là chặn đứng khủng hoảng, ổn định thị trường. Ông Chu Quang Diệu còn mạnh dạn nói rằng, bước tiếp theo sẽ là cân nhắc rút lại các biện pháp can dự.
Nhưng khi những tuyên bố của ông Chu Quang Diệu còn văng vẳng, “thảm họa” một lần nữa gõ cửa thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong ngày 24.7, chỉ số Shanghai Composite mất 1,29%. Ngày 27.7, Shanghai Composite mất gần 8,5%, mức giảm mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây trong khi ngày 28.7 chỉ còn 3.663 điểm, mất tổng cộng 11,1% so với mức đóng cửa hôm 23.7. Ngày 29.7, lực lượng cứu thị trường lại phải can thiệp nhưng chỉ số Shanghai Composite chỉ tăng 3,34% trước khi lại giảm 2,2%.
Tình trạng lao dốc của thị trường chứng khoán lần này không phải do một sự kiện đặc biệt nào chi phối mà do sau khi thị trường tăng trở lại, các nhà đầu tư đã chọn phương án thu lợi nhuận dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Ngoài ra, số liệu thống kê của các doanh nghiệp không như kỳ vọng cùng với sự sụt giảm của một loạt các thị trường hàng hóa, tiền tệ và cổ phiếu bên ngoài cũng ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư. Tuy nhiên, xét trong xu hướng phát triển gần đây, nguyên nhân thị trường Thượng Hải giảm là do đã phát triển quá nóng. Từ giữa năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc thông qua các phương tiện truyền thông đã tuyên truyền tốt cho thị trường, đồng thời hạ thấp lãi suất và dự trữ bắt buộc của các ngân hàng nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường. Ngoài ra, các sàn giao dịch cũng đưa ra các chương trình ký quỹ, cho phép các nhà đầu tư thế chấp cổ phiếu, bán khống cổ phiếu. Dưới sự thúc đẩy của những chính sách này, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh chưa từng có. Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã lập mức kỷ lục 5.166 điểm vào ngày 12.6, tăng gấp đôi so với cuối năm trước. Vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc chủ yếu là đơn lẻ, trình độ về kinh tế và chứng khoán không cao, chủ yếu đầu tư theo tâm lý thị trường. Cho nên, việc Chính phủ thực hiện điều chỉnh quy mô quỹ giao dịch hồi tháng 6 đã ngay lập tức khiến thị trường sụt giảm.
Thời gian qua, dù Chính quyền đã ra tay can thiệp nhưng niềm tin trên thị trường vẫn chưa được khôi phục. Trong khi đó, quyết định cứu hay không cứáu thị trường tài chính đang trở thành vấn đề gây tranh cãi. Chính phủ Trung Quốc hiện đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu không cứu thị trường, xu hướng giảm giá sẽ tiếp tục, dẫn đến rối loạn thị trường, kéo theo khủng hoảng tài chính. Khi đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ gặp khó khăn. Giai đoạn tiếp theo của khủng hoảng tài chính rất có thể là khủng hoảng chính trị và khủng hoảng quan hệ quốc tế.
Ngược lại, cứu thị trường cũng là nhiệm vụ không đơn giản và không biết bao giờ mới kết thúc. Số tiền Chính phủ phải bỏ ra cứu thị trường sẽ rất lớn, trong khi chưa thể khẳng định có hiệu quả hay không.
Hiện nay, Bắc Kinh hiện đang ở thế “cưỡi trên lưng hổ”, muốn xuống cũng không được. Giờ hy vọng duy nhất là dùng tiền của Chính phủ để đổi lấy thời gian. Chính phủ vốn kỳ vọng việc giải phóng lợi ích từ cải cách, kích hoạt sức sống của thị trường chứng khoán, từ đó thúc đẩy chủ trương “người người khởi nghiệp, nhà nhà sáng tạo”, hình thành mối quan hệ tuần hoàn tốt đẹp giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Nhưng xem xét số liệu kinh tế vĩ mô quý II của Trung Quốc, có thể thấy rằng, sức tăng trưởng của nền kinh tế nước này vẫn đối mặt với áp lực giảm mạnh, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm rõ rệt, nhà đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường. Chính vì vậy, điều mà Chính phủ Trung Quốc có thể làm lúc này là duy trì để thị trường không đổ vỡ trong 2 - 3 tháng trong khi chờ nền kinh tế ổn định trở lại trong quý III năm nay.