Đã có hàng triệu hộ gia đình sử dụng hóa đơn điện tử

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đó là số lượng ước tính của Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Phụng khi trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề triển khai hóa đơn điện tử.

  Đã có hàng triệu hộ gia đình sử dụng hóa đơn điện tử  - Ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Phụng
Phóng viên: Từ năm 2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32 về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử trong bán hàng và cung ứng dịch vụ. Vậy thực tế việc triển khai mô hình mới này đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
 
Hóa đơn điện tử đã được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, để tạo hành lang pháp lý cho hóa đơn điện tử, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 51/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn việc khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng, cung ứng dịch vụ. Để phù hợp hơn với thực tế, gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 51. Với hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh, hiện tại DN có thể sử dụng hóa đơn điện tử trong mua bán, giao dịch hàng hóa dịch vụ và sử dụng để kê khai thuế. 
 
Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, để đưa hóa đơn điện tử đi vào cuộc sống, ngay từ giai đoạn đầu triển khai, ngành thuế đẩy mạnh việc tuyên truyền hỗ trợ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó nêu rõ các căn cứ pháp lý, lợi ích của hóa đơn điện tử, các thủ tục điều kiện cần thiết để doanh nghiệp (DN) triển khai áp dụng. Các nội dung này cũng được tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo với DN, góp phần trợ giúp các đơn vị hiểu biết và vận hành tốt khi sử dụng hóa đơn điện tử.
 
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hình thức điện tử, không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh. Chính vì vậy, Vụ Doanh nghiệp lớn đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thành lập tổ hỗ trợ DN thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử. Trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành các công văn hướng dẫn liên quan đến hóa đơn, định dạng hóa đơn, chữ ký điện tử…, đồng thời nâng cấp hạ tầng thông tin để sẵn sàng tiếp nhận hóa đơn điện tử khi DN gửi đến. Nhờ đó, quá trình triển khai thí điểm không gặp những vướng mắc lớn.
 
Xin ông cho biết với sự hỗ trợ, khuyến khích của Tổng cục Thuế, hiện nay đã có bao nhiêu DN triển khai thực hiện hóa đơn điện tử?
 
Nhìn chung số lượng DN triển khai hóa đơn điện tử chưa nhiều.  Nguyên nhân là do các tiêu chí đặt ra trong giới hạn. Trước mắt Tổng cục Thuế lựa chọn các DN có điều kiện thuận lợi về có hạ tầng công nghệ thông tin tương đối hiện đại; đã thực hiện một số hình thức giao dịch điện tử; kê khai thuế qua mạng; đang sử dụng lượng hóa đơn giấy lớn và đang kinh doanh trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ trước trả tiền sau để triển khai trong giai đoạn đầu.  Tuy vậy, đến nay đã có hàng triệu cá nhân và hộ gia đình sử dụng hóa đơn điện tử trong các lĩnh vực kinh doanh nước sạch, điện lực, viễn thông. 
 
Với những ưu điểm nổi bật của hóa đơn điện tử, DN có thể tiết kiệm được chi phí in, gửi, lưu trữ và bảo quản hóa đơn, tránh được các rủi ro do hư hỏng, mất hóa đơn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hóa đơn chứng từ cũng góp phần giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường chất lượng phục vụ khách hàng và khả năng cạnh tranh của DN… chắc chắn hình thức hóa đơn hiện đại này sẽ áp dụng trên diện rộng hơn. Theo tính toán của Tổng công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh với số lượng gần 2 triệu khách hàng đang sử dụng điện và trung bình phải xuất 21,5 triệu hóa đơn/năm thì chi phí quản lý hóa đơn giấy truyền thống ước khoảng 21,6 tỷ đồng. Sau khi áp dụng hóa đơn điện tử đã tiết kiệm được 26,9% chi phí so với hóa đơn giấy (do giảm được chi phí in và gửi hóa đơn). Về phía khách hàng, chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ chức, cá nhân đã sẵn sàng hợp tác với DN do việc sử dụng hóa đơn điện tử tạo nhiều thuận lợi trong thanh toán, khách hàng có thể truy cập vào website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần, do đó không cần bảo quản hay lưu trữ hóa đơn. 
 
Vậy theo ông để phát triển hóa đơn điện tử, tiết giảm thủ tục, chi phí cho cả người dân và xã hội thì cần phải triển khai những giải pháp gì?
 
Theo kế hoạch trong năm 2015, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai hóa đơn điện tử đối với dịch vụ liên quan đến điện, nước sạch, viễn thông, hàng không sau đó sẽ dần phát triển sang các lĩnh vực, các DN khác có hoạt động gắn liền với thương mại điện tử. Tuy nhiên, do hóa đơn điện tử là vấn đề còn khá mới, liên quan đến công tác quản lý nhà nước của nhiều ngành. Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu phát triển hóa đơn điện tử, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và sự đổi mới trong phương thức quản lý đối với các giao dịch thương mại điện tử. 
 
Việc phát triển hóa đơn điện tử sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người cung cấp và người sử dụng dịch vụ nhưng sẽ tạo những áp lực không nhỏ cho cơ quan quản lý, đặc biệt là nguồn nhân lực. Để đảm bảo sự minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, ngành thuế quyết tâm phát triển hóa đơn điện tử, trong đó nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ thuế, tiếp tục đầu tư trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho việc kết nối thông suốt giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tăng cường việc tuyên truyền và hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp những điều kiện thuận lợi nhất cho DN tham gia thực hiện hóa đơn điện tử.
 
Xin cảm ơn ông!