Yếu tố vĩ mô ủng hộ đà tăng thị trường chứng khoán
Giới chuyên gia cho rằng, những yếu tố vĩ mô trong nước và thế giới đều đang ủng hộ đà tăng của thị trường.
Thực tế, thị trường sau hai tuần giảm điểm liên tiếp đã hồi phục trở lại trong tuần qua. Kết tuần giao dịch từ ngày 1 – 5/4, VN - Index tăng 8,5 điểm lên 989,26; HNX - Index tăng 0,434 điểm lên 107,87 điểm.
Thanh khoản trong tuần qua giảm nhẹ và ở dưới mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 4.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Tuần qua, nhóm cổ dầu khí tăng mạnh mẽ với các mã tiêu biểu như: PVD tăng tới 8,9%, PVS (8,7%), POW (1,7%), BSR (2,4%), PLX (3,4%), PVB (12,4%), PVC (5,6%), GAS (5,7%)...
Có lẽ nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là tâm điểm trong tuần tới vì nhóm này đang có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ; trong đó, yếu tố quan trọng là thanh khoản của nhóm cổ phiếu này vẫn giữ ở mức cao dù thanh khoản chung của thị trường suy giảm.
Bên cạnh đó, cùng với việc đi lên của giá dầu, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục được hưởng lợi.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao sau tại thị trường New York tăng 0,98 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, đạt 63,11 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI trong 5 tháng. Tuần này là tuần tăng giá thứ 5 liên tục của dầu WTI, với mức tăng 4,9%.
Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,94 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 70,34 USD/thùng.
Trong vòng 5 tháng trở lại đây, phiên này là lần đầu tiên giá dầu Brent (mốc giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu) chốt trên 70 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,9%.
Trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí có công lớn giúp các chỉ số tăng trưởng thì ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường là ngân hàng giảm khiến mức tăng của thị trường bị thu hẹp.
Các mã cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh có thể kể đến như: CTG giảm 2,6%, BID (2%), HDB (2,3%), SHB (1,2%), MBB (1%), TCB (0,8%)... Ở chiều ngược lại, TPB tăng tới 7%, VIB tăng (1,5%).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng không những giảm giá mà thanh khoản còn giảm dần trong các phiên giao dịch.
Thực tế diễn biến của thị trường cho thấy, khi giá cổ phiếu ở quanh vùng đỉnh, thanh khoản thường rất lớn nhất và khi giá cổ phiếu ở quanh vùng đáy, thanh khoản giảm xuống mức rất thấp.
Như vậy, việc thanh khoản của nhóm ngân hàng đang suy giảm xuống mức thấp cho thấy khả năng quay đầu tăng giá của các mã ngân hàng là có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, cùng với việc các yếu tố vĩ mô đang tiếp tục hỗ trợ thị trường thì nhóm cổ phiếu ngân hàng càng có nhiều cơ hội hồi phục hơn trong tuần tới.
Ngoài ra, tuần tới có thể một số công ty ra báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 và ngành ngân hàng được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan.
Xét đến nhóm cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành, có tác động lớn nhất lên thị trường có thể thấy, nhóm cổ phiếu này diễn biến không mấy tích cực trong tuần qua.
Cụ thể, VNM và SAB gần như đi ngang, trong khi MSN tăng tới 4,7% nhưng có thanh khoản giảm dần, VRE cũng tăng cũng tăng tới 3,4%.
Tuy nhiên, hai mã vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường là VIC và VHM giao dịch trầm lắng với thanh khoản rất thấp, có dấu hiệu cạn kiệt.
Tuy nhiên, việc thanh khoản thấp và có dấu hiệu cạn kiệt có thể là dấu hiệu cho sự hồi phục trở lại của các mã vốn hóa lớn trong tuần giao dịch tới, từ đó giúp thị trường chung tích cực hơn.
Bên cạnh đó, khối ngoại trên thị trường giao dịch khá ảm đạm nhưng vẫn duy trì được trạng thái mua ròng.
Tính trên toàn thị trường, tuần qua khối ngoại mua và 72 triệu cổ phiếu, trị giá 2.831 tỷ đồng, trong khi bán ra 72,7 triệu cổ phiếu, trị giá 2.586 tỷ đồng.
Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 700.000 cổ phiếu, nhưng nếu tính về giá trị thì khối ngoại vẫn mua ròng hơn 244 tỷ đồng.
Hiện tại, có những thông tin vĩ mô rất quan trọng hỗ trợ đà tăng của thị trường. Theo đó, đà tăng của thị trường chứng khoán thế giới đang hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nước.
Tuần qua, tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 đã trở thành “ngôi sao” trên Phố Wall, nhờ số liệu khả quan về thị trường lao động Mỹ.
Khép lại phiên cuối tuần, chỉ số này ghi dấu bảy phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10/2017.
Trong phiên cuối tuần (5/4), Phố Wall bừng sắc xanh, giữa bối cảnh số liệu khả quan về thị trường lao động Mỹ giúp xoa dịu những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 40,36 điểm (0,15%) lên 26.424,99 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 13,35 điểm (0,46%) lên 2.892,74 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 46,91 điểm (0,59%) lên 7.938,69 điểm.
Ngoài ra, ngày 5/4/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poor’s (S&P) nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn đối với Việt Nam từ mức BB- lên BB, xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn ở B với triển vọng “ổn định”.
Thông tin này được giới chuyên gia nhận định có vai trò rất quan trọng nâng đỡ thị trường trong thời gian tới.
Với những thông tin có thể tác động đến thị trường, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội cho rằng, trong tuần giao dịch tiếp theo (8/4 - 12/4), VN - Index có thể sẽ tăng điểm để thử thách ngưỡng kháng cự 995 điểm, hỗ trợ yếu của chỉ số quanh 980 điểm và hỗ trợ mạnh quanh 965 điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC nhận định, các chỉ số tiếp tục tăng điểm nhẹ cùng thanh khoản thấp.
Dòng tiền vẫn luân chuyển trong thị trường, dù không thực sự dồi dào. Các nhóm cổ phiếu luân phiên tăng/giảm để thị trường không có biến động quá mạnh.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức độ vừa phải do xu thế tăng ngắn vẫn hàm chứa những yếu tố thiếu chắc chắn.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC dự báo tuần tới, thị trường sẽ tăng điểm nhẹ với diễn biến chủ đạo sẽ là đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp.
Theo BVSC, xu hướng thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo kết quả lợi nhuận quý I và thông tin kế hoạch kinh doanh 2019 của các doanh nghiệp.
Một số ngành như công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản, cao su, dầu khí và một số cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực và thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong ngắn hạn.