Đa dạng hóa nguồn vốn - Cấp thiết cho thúc đẩy kinh tế tư nhân
Những yêu cầu về đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được nhận định là hết sức cấp thiết và quan trọng cho sự phát triển của khu vực này.

Nhận xét chung về Nghị quyết 68-NQ/TW, TS. Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME) cho rằng, đây là bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân, sau gần 7 năm kể từ Nghị quyết số 100-NQ/TW năm 2017 về kinh tế tư nhân ra đời.
Trong đó, điểm được cộng đồng doanh nghiệp chú ý nhất là việc Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác định quan điểm chỉ đạo “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Việc thêm một chữ “nhất” đã cho thấy thay đổi quan trọng về quan điểm, thể hiện quyết tâm chính trị để phát triển kinh tế tư nhân ngày càng vững mạnh.
Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2024 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 6/5/2025, tiếp cận tín dụng vẫn là 1 trong 15 khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp tư nhân.
Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng năm 2024 chỉ còn 54% doanh nghiệp được khảo sát, giảm so với con số 57% của năm 2023, đánh dấu sự dừng lại chuỗi tăng liên tục của khó khăn này từ năm 2019 đến năm 2023.
Dù vậy, tiếp cận tín dụng vẫn là khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao nhất liên tục từ năm 2022.
Báo cáo PCI 2024 đánh giá, kết quả này cho thấy các giải pháp về tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp cần phải tiếp tục đẩy mạnh, đồng thời phải có những giải pháp mới hiệu quả hơn.
Với nhiều nhiệm vụ và giải pháp được đề ra, cộng đồng doanh nghiệp dành nhiều sự quan tâm và trông chờ về giải pháp đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân.
Nghị quyết 68-NQ/TW đã yêu cầu rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân. Trong đó, cần có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Nghị quyết cũng chỉ đạo khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan; sửa đổi khung pháp lý về hoạt động của công ty cho thuê tài chính; ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát về cho vay ngang hàng, về sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng… nhằm tăng cường cho vay.

TS. Mạc Quốc Anh đánh giá, đây là những yêu cầu rất cấp thiết với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi hơn 82% lao động làm việc trong khu vực tư nhân nhưng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn. Vì thế, việc tháo gỡ những rào cản về đất đai, tín dụng… rất được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi.
Ông Nguyễn Vân- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cũng nêu, đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cung ứng linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang thiếu và yếu về nguồn lực cũng như còn khó khăn trong tiếp cận đổi mới khoa công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, nguồn vốn tài chính, đất đai, hạ tầng…
Vì thế, ông Nguyễn Vân cho biết, với những biến động mang tính chất toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã không ít lần đề xuất xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
"Những chỉ đạo, định hướng, giải pháp quan trọng tại Nghị quyết 68 chính là những điều cộng đồng doanh nghiệp cần ngay lúc này; đồng thời sẽ trở thành kim chỉ Nam cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", ông Nguyễn Vân nêu rõ.
Hơn nữa, theo ông Vân, cùng với cuộc "cách mạng" tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính đang được thực hiện quyết liệt, doanh nghiệp tư nhân còn được thụ hưởng những cơ chế, chính sách để hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tài chính... thì sẽ vừa góp phần giải quyết nhiều khó khăn, vừa thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, bà Lê Thị Mỹ Dung- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Biotech Group Việt Nam cho hay, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, Nghị quyết 68-NQ/TW đã hướng tới việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận công bằng các nguồn lực.
Nhưng cùng với những nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra thì các doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao trách nhiệm đổi mới năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh, để xứng đáng với vị thế "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế.
TS. Mạc Quốc Anh khuyến nghị, mỗi doanh nghiệp cần phải hành động ngay, phải minh bạch tài chính, tăng cường liên kết và không ngừng đổi mới.