Đa dạng hoá nguồn vốn cho nông thôn mới

PV.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó yêu cầu cần đa dạng hoá nguồn vốn nhằm phát triển nông thôn mới giai đoạn tới.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Để đạt được những mục tiêu đề ra của Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần đa dạng hoá các nguồn vốn huy động. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.

Mục tiêu tổng quát của chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 là nhằm xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ...

Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Từ năm 2017, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể, do hội đồng nhân dân xã thông qua. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng...

Dự kiến tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương 63.155,6 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách bao gồm: Vốn trực tiếp để thực hiện các nội dung của Chương trình khoảng 24%; vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình hỗ trợ có mục tiêu; các dự án vốn ODA thực hiện trên địa bàn khoảng 6%.

Trong khi đó, vốn tín dụng (bao gồm tín dụng ưu đãi và tín dụng thương mại) khoảng 45%. Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 15%. Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%...