Đa dạng nguồn lực đầu tư hạ tầng
Kể từ ngày 15/8, quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT (đầu tư - chuyển giao) chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện; đồng thời từ ngày 1/1/2021, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT. Liệu nền kinh tế có mất đi một kênh hữu hiệu để xã hội hóa đầu tư hạ tầng?
Góp phần chỉnh trang bộ mặt thành phố
Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi hình thành đã thay đổi toàn diện bộ mặt khu Đông TPHCM, từ quận Bình Thạnh sang quận Thủ Đức; đồng thời kết nối TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) gần hơn với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Hiện nay, người dân ở khu vực này đã chọn tuyến đường trên đi vào sân bay Tân Sơn Nhất; đây cũng là tuyến đường có năng lực tốt nhất giải phóng kẹt xe của khu vực vào giờ cao điểm. Dự án là tiêu biểu cho hình thức đầu tư BT, giữa TPHCM và một nhà đầu tư Hàn Quốc.
Thật ra, lâu nay hình thức đầu tư BT đã đem lại cho TPHCM nhiều công trình hạ tầng, góp phần đổi thay bộ mặt thành phố. Những công trình giao thông đầu mối quan trọng đã hoàn thành như cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, Nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương - Bến Cát... Một số dự án đang triển khai, khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: cầu Thủ Thiêm 2 nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) sang quận 1; dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang thực hiện. Ngoài ra, còn hàng loạt dự án khác đã ký hợp đồng, đang chờ giải phóng mặt bằng, tiêu biểu dự án nút giao thông Gò Dưa (Tập đoàn Văn Phú thực hiện)… Thống kê của Sở KH-ĐT TPHCM trong giai đoạn 2015-2017, thông qua hình thức BT, TPHCM đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng sống cho người dân trong điều kiện ngân sách hạn chế.
Thực tế quá trình thực hiện dự án BT vẫn còn một số tồn tại (trong việc định giá quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư, trong các chính sách hoán đổi…), song theo các chuyên gia kinh tế, nhờ phương thức đầu tư này, TPHCM sẽ thực hiện được nhiều công trình hơn mà không quá lệ thuộc nguồn ngân sách. Nhất là, khi tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM ngày càng giảm (hiện là 18%), dẫn đến thiếu vốn dành cho phát triển hạ tầng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết, trước đây dự án này dự tính đầu tư theo hình thức BT nên giao cho một doanh nghiệp tư nhân tổ chức tuyển chọn thiết kế kiến trúc, đã có sản phẩm gửi Sở QH-KT TPHCM và báo cáo UBND TPHCM. Tuy nhiên, theo Luật PPP, hiện nay chưa biết đầu tư theo phương thức nào.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài khoảng 2.160m; bắt đầu từ giao lộ cầu Tân Thuận 2 với đường Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát rồi kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) tại đường trục Bắc - Nam, sau đó kết thúc tại điểm giao với tuyến R4. Dự tính tổng vốn đầu tư toàn tuyến 5.200 tỷ đồng, sẽ tăng năng lực kết nối lưu thông giữa khu Nam với khu vực trung tâm.
Nên “gạn đục, khơi trong”
Suy cho cùng, hình thức đầu tư BT cũng chính là giải pháp xã hội hóa thu hút đầu tư. Nếu không xã hội hóa, nhiều địa phương sẽ bị mất đi nguồn lực trong việc hình thành các công trình phục vụ dân sinh. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, dự báo, khi Luật PPP có hiệu lực thi hành (không còn quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BT), TPHCM có thể gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án không có nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công, hoặc khó khả thi về mặt tài chính như những dự án chống ngập, cống kiểm soát triều, đê kè, di dời các hộ dân ven kênh rạch, trụ sở cơ quan nhà nước, công viên, nghĩa trang… Cùng với đó, Luật PPP cũng quy định tổng mức đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng và hạn chế nhiều lĩnh vực đầu tư, nên thành phố sẽ ít có dự án đầu tư theo hình thức PPP, khó phân cấp cho các quận huyện thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô dưới 200 tỷ đồng.
Vậy làm thế nào để thu hút xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung? Về giải pháp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đề xuất, chỉ nên dừng trong giai đoạn 2020-2022 để hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách, pháp luật. Trước hết cần tập trung rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung 6 bộ luật có liên quan: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản; Luật Giá; nhằm bịt kín các lỗ hổng, để đảm bảo đủ điều kiện khởi động lại các dự án BT. Đối với công trình BT, thực chất cũng là một loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ công ích có giá trị lớn, hoàn toàn có thể được Nhà nước đặt hàng và thanh toán bằng ngân sách, theo phương thức mua sắm tài sản công. Thứ hai, Nhà nước nên thực hiện đấu giá quỹ đất công đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, đồng thời tạo nguồn vốn ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng. Đối với gói thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, thanh toán bằng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng; nhà đầu tư dự án BT cũng là nhà đầu tư “dự án khác” thì phải thực hiện đấu thầu dự án BT, cùng với đấu thầu “dự án khác” trong một cuộc đấu thầu, trong đó có điều kiện nhà đầu tư phải ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho rằng, Luật Đầu tư PPP ra đời nhằm mục đích đấu giá đất để lấy tiền làm hạ tầng, tránh thất thoát. Tuy nhiên, muốn đất có giá trị thì Nhà nước phải đầu tư hạ tầng; việc đấu giá đất sẽ diễn ra lâu, dẫn đến dự án bị đầu tư chậm hơn. “Cả hình thức đầu tư BT và BOT đều có ý kiến phê phán. Nhưng hiện hình thức đầu tư BOT tiếp tục được luật cho phép, dù hiện nay vẫn chưa khắc phục được nhược điểm (hàng hóa xuôi ngược Nam - Bắc trả phí cầu đường quá nhiều, dẫn đến giá thành cao, năng lực cạnh tranh của quốc gia kém). Nhà nước cần “gạn đục khơi trong”, nên hạn chế tiêu cực và phát huy mặt tích cực, nhằm xã hội hóa thu hút đa dạng nguồn lực đầu tư hạ tầng”, ông Đặng Hùng Võ đề xuất.
7 loại hợp đồng PPP
Quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP. Bao gồm các loại hợp đồng sau đây: Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build - Operate - Transfer, viết tắt BOT); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Build - Transfer - Operate, viết tắt BTO); Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Build - Own - Operate, viết tắt BOO); Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (Operate - Manage, viết tắt O&M); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (Build - Transfer - Lease, viết tắt BTL); Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (Build - Lease - Transfer, viết tắt BLT); Hợp đồng hỗn hợp: hợp đồng ký kết giữa các loại hợp đồng nêu trên.
Lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.