Đa dạng sản phẩm OCOP: Tăng sức cạnh tranh trên thị trường
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020. Sau 3 năm thực hiện, tỉnh Hậu Giang đã có hơn 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Các sản phẩm được công nhận không chỉ có sự cải tiến mạnh mẽ về hình thức và chất lượng mà doanh thu bán ra còn cao gấp nhiều lần.
Thay đổi tư duy sản xuất
Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Sau bước đệm thành công trong xây dựng sản phẩm OCOP năm 2020 với 15 sản phẩm được công nhận. Nên đầu năm 2021 chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng thêm từ 4-5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm được xây dựng phải đa dạng, phong phú về chủng loại để từ đó tạo nhiều sản phẩm chất lượng, đặc trưng của vùng để cạnh tranh trên thị trường và đến nay huyện Phụng Hiệp đã có 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao”.
Canh tác gần 5 công mãng cầu xiêm sản lượng hơn 15 tấn trái mỗi năm nhưng liên tục gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Cách đây 2 năm, ông Nguyễn Văn Điều, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn phát triển mô hình sản xuất trà mãng cầu xiêm thay vì bán trái thô. Khi xây dựng mô hình, bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, ông Điều còn làm các thủ tục tham gia xây dựng OCOP với 2 sản phẩm là trà mãng cầu xiêm sợi và trà mãng cầu xiêm túi lọc.
Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, hiện nay trung bình mỗi tháng ông Điều cung ứng cho thị trường hơn 200kg trà mãng cầu thành phẩm, doanh thu tăng gấp 3 lần so với việc bán trái thô. Đặc biệt, vừa qua 2 sản phẩm của cơ sở còn được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao. Ông Điều cho biết: “Hiện nay, trên thị trường sản phẩm trà mãng cầu xiêm rất đa dạng về chũng loại và mẫu mã. Chính vì thế khi bắt tay vào xây dựng OCOP thì mình phải quan tâm về chất lượng sản phẩm, bao bì và cách thức bảo quản, làm thế nào để có sản phẩm đạt chất lượng và mẫu mã tốt nhất, có như thế mới có thể đi xa trên thị trường”.
Một sản phẩm khi đăng ký tham gia xây dựng OCOP thì đồng nghĩa với việc cá nhân và doanh nghiệp đó phải chủ động đổi mới tư duy, phương thức sản xuất. Để khi được công nhận sản phẩm đó có được sức cạnh tranh trên thị trường. Nắm vững được tiêu chí đó mà 2 năm qua, HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh tham gia và có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP. Tính đến nay, HTX đã có 8 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh.
Bà Nguyễn Kim Thùy - Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: “Trước đây, các sản phẩm chưa được công nhận OCOP thường rất khó bán. Mình đem đi chào hàng ở các siêu thị đôi khi người ta cũng không mặn mà. Nhưng sau khi được công nhận OCOP thì tự dưng họ lại tìm đến mình để mua sản phẩm”.
Đặc biệt, trong những tháng dịch COVID-19 bùng phát, nhiều công ty, doanh nghiệp điêu đứng thì với thương hiệu sản phẩm của mình và việc nắm bắt tốt xu hướng của thị trường, HTX Kỳ Như vẫn xuất bán gần 100 tấn hàng hóa, nông sản các loại theo hình thức thực đơn combo. Theo đó, HTX đa dạng thiết kế và chào hàng các sản phẩm theo dạng thực đơn bữa ăn gia đình với combo từ 80.000-400.000 đồng. Bà Thùy cho biết thêm: “Combo là sự kết hợp của 40% sản phẩm đạt chuẩn OCOP của HTX và 60% còn lại là các loại nông sản, thủy sản, rau củ quả của bà con trên địa bàn huyện. Vừa tiêu thụ tốt sản phẩm của HTX, vừa giúp nông dân trong huyện tiêu thụ nông sản”.
Một yếu tố khác làm cho các sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường, đó là quy trình sản xuất được cải tiến để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và mẫu mã đẹp. Để làm được điều đó buộc các chủ thể phải chuyển tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy được lợi thế đặc trưng của từng địa phương.
Sau khi thành công với 3 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh năm 2020, năm 2021 cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tiếp tục xây dựng và đạt thêm 1 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh là rượu Khước lão tửu Út Tây. Sản phẩm là sự kết hợp giữa công thức ủ rượu gia truyền và các nguyên liệu đặc trưng ở các địa phương của Hậu Giang, từ đó tạo ra sản phẩm mang hương vị truyền thống và hiện đại.
Bà Võ Thị Phương Trang - chủ cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, cho biết: “Nếu dịp tết năm trước cơ sở sản xuất khoảng 10.000 chai rượu các loại cung ứng cho thị trường thì năm 2022 cơ sở đã tăng lên 16.000 chai, trong đó có khoảng 70% là sản xuất theo đơn đặt hàng từ các siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở kinh doanh rượu ở các tỉnh, thành trong cả nước”.
Tạo động lực phát triển sản phẩm
Nhờ sự chủ động của các chủ thể và sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình, dự án, năm 2021 huyện Phụng Hiệp tiếp tục có 7 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh. Tính đến nay, sau 3 năm tập trung xây dựng, huyện Phụng Hiệp đã có 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP thuộc các chủ thể là: Hợp tác xã Kỳ Như, Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, Hợp tác xã Hậu Giang Yên Bình An, cơ sở sản xuất trà mãng cầu xiêm Hồng Đoan. Trong 21 sản phẩm được công nhận có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP năm qua đã được giới thiệu đưa đi xúc tiến thương mại ở nhiều nơi. Qua đó giúp cho các sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường được minh chứng qua sản lượng tiêu thụ.
Ông Lê Như Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã được giới thiệu đi xúc tiến thương mại nên các thương hiệu đó từng bước được nhiều người biết đến, từ đó việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn. Cụ thể như trong 15 sản phẩm được công nhận trong năm 2020, chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, rượu, trà mãng cầu…, qua ghi nhận sản lượng cung ứng những sản phẩm này cho thị trường cuối năm tăng từ 30-40%, nhiều sản phẩm còn rơi vào tình trạng hết hàng. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhiều mặt hàng nông sản của huyện khó bán nhưng các sản phẩm OCOP vẫn được gắn kết và tiêu thụ ổn định ở các tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Còn Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy cho biết, thời gian qua, huyện cũng đã tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trọng tâm của chương trình là phát triển sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2020 xây dựng được 1 sản phẩm đạt 4 sao là “Gạo sạch Vị Thủy”, năm 2021 xây dựng và công nhận 8 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao. Kết quả đến nay, được 9 sản phẩm được công nhận. Nhìn chung, các sản phẩm sau công nhận đều có thị trường để tiêu thụ và có hướng phát triển tốt.
Ông Huỳnh Thành Hữu - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trong năm 2022 này sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, chú trọng thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt từ 3-5 sao.
Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nhanh về số lượng, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển các loại hình hợp tác xã trong các lĩnh vực, chú trọng hợp tác xã nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản...
Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có 104 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (gồm 48 sản phẩm đạt 4 sao và 56 sản phẩm đạt 3 sao), với 48 chủ thể đăng ký tham gia; hoàn thiện 2 hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương (chanh không hạt, bưởi Năm Roi của HTX trái cây sinh học OCOP). Trong năm 2022, phấn đấu công nhận thêm 32 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm toàn tỉnh lên 136 sản phẩm. Phấn đấu có 3 hồ sơ đăng ký dự thi sản phẩm OCOP Trung ương.