Đà Nẵng làm gì để "đón" 3 tỷ USD vốn đầu tư giai đoạn mới?
Để thu hút 3 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng về giao thông, nhà ga, sân bay, cảng biển theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn liền với triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm.
UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 3395/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 về "Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 thu hút được 3 tỷ USD vốn đầu tư các dự án đầu tư vào thành phố; giai đoạn 2026 – 2030 đặt mục tiêu thu hút được thêm 4 tỷ USD. Đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường hướng đến công nghệ cao tăng 50% so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%; tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% (các mục tiêu này đến năm 2030 lần lượt là 100%, 40% và 80%).
Đà Nẵng định hướng tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới…), R&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện – điện tử…
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng về giao thông, nhà ga, sân bay, cảng biển theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn liền với triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm.
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ đề ra nhiều biện pháp về cơ sở hạ tầng, đô thị như: tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành ga hàng hóa tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Thực hiện khơi thông vũng quay tàu để nâng trọng tải tàu trên 20.000 DWT vào cảng Tiên Sa, từ đó nâng công suất khai thác của cảng Tiên Sa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trong thu hút đầu tư và chuẩn bị hạ tầng đón nhận dòng vốn chuyển dịch hậu Covid-19.
Thành phố cũng ưu tiên xây dựng cảng cạn tại quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang nhằm tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển và khu vực nội đô.
Đồng thời sẽ hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) dự án xây dựng cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1); hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố (giai đoạn 1); phối hợp hoàn thành dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc (giai đoạn 2); hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư nâng cấp nhà ga hành khách T1, xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đề xuất, xây dựng thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư như cơ chế chính sách đặc thù hình thành trung tâm tài chính, khu phi thuế quan, chính sách khuyến khích phát triển R&D, chính sách để phát triển trung tâm du thuyền quốc tế trên địa bàn thành phố; rà soát, điều chỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng vào thực tiễn.
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng sẽ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, trong đó, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và nước ngoài đến làm việc tại thành phố; triển khai công tác dự báo cung cầu lao động của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đối với ngành, lĩnh vực đang kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các ngành mũi nhọn và công nghệ cao; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.
Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình đầu tư nước ngoài toàn cầu, tuy nhiên, đồng thời mở ra cơ hội cho Việt Nam đón dòng vốn FDI dịch chuyển. Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết đã có gần 300 doanh nghiệp từ các quốc gia/vùng lãnh thổ có kế hoạch nghiên cứu, tìm hiểu mở rộng/đàu tư mới tại Việt Nam, trong đó có nhiều tập đoàn lớn thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao; thiết bị điện tử và phụ kiện; logistics, thương mại điện tử, bán lẻ….