"Đại bàng" Mỹ tới Việt Nam và chuyện "chưa bao giờ bận đến vậy"


“Chưa bao giờ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean (USABC) bận rộn như hiện nay khi nhiều doanh nghiệp Mỹ dành sự quan tâm lớn cho thị trường Việt Nam. Có thể thấy phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất tới Việt Nam được kỳ vọng đánh dấu cho làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư từ các “đại bàng” vào Việt Nam trong thời gian tới.

Phái đoàn hơn 50 tập đoàn hàng đầu của Mỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. 
Phái đoàn hơn 50 tập đoàn hàng đầu của Mỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. 

Được biết, từ 21-23/3, đại diện 52 công ty, tập đoàn Mỹ, trong đó có các hãng quốc phòng, dược phẩm, công nghệ,... có mặt tại Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh do USABC tổ chức.

Việt Nam là điểm đến cho cơ hội

Các công ty Mỹ đang chứng kiến xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, ngành tiêu dùng nhanh (FMCG), đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe. Lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh cũng chứng kiến sự quan tâm trở lại của cả hai phía.

Theo ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC, chưa bao giờ họ bận rộn như hiện tại. “Dịch vụ của chúng tôi chưa bao giờ có nhu cầu cao như thế này. Nhiều công ty có thể chưa từng tiếp xúc với Việt Nam trong quá khứ nhưng đang khá quan tâm. Mức tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam trong năm 2022 đã khiến rất nhiều nhà đầu tư quan tâm".

Đặc biệt, ông Ted Osius chia sẻ về những cuộc trao đổi khó tin gần đây khi đại diện USABC của các nước ASEAN khác nói rằng “họ phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam”. Lãnh đạo USABC nhìn nhận, đây không phải là điều mà mọi người nói cách đây vài thập kỷ nhưng bây giờ họ đang xem Việt Nam là điểm đến cho tăng trưởng và cơ hội. Đó là lý do những công ty này đang ở đây.

Được biết, trong hoạt động lần này, lãnh đạo cấp cao từ 52 công ty Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, và lãnh đạo nhiều bộ ngành để thảo luận về các vấn đề liên quan tới chính sách và cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư.

Ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực châu Á – Thái Bình Dương, công ty mẹ Facebook, chia sẻ đây là lần thứ 2, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, ông có mặt tại Việt Nam. Ông đánh giá cao tính cần cù chăm chỉ và chất lượng của người lao động Việt Nam. “Việt Nam là một trong những quốc gia mà chúng tôi tin vào tương lai phát triển và bằng chứng là các kết quả hợp tác rất tốt trong nhiều năm qua”, vị này chia sẻ và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Đại diện tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ AES cho biết, năng lượng tiếp tục là một lĩnh vực chiến lược quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Tiến bộ trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và các công ty thành viên khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

Một số doanh nghiệp lớn có mặt tại Việt Nam lần này còn có Boeing, Bell, UPS, Coca Cola… Theo Boeing, một lĩnh vực quan tâm khác là hàng không bền vững. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào các phương pháp khử carbon cho ngành hàng không, hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, mang lại hiệu quả hoạt động bền vững.

Tận dụng cơ hội thế nào?

Ông Squall Wang, Giám đốc điều hành UPS Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã và đang kết nối các doanh nghiệp tại Việt Nam với khách hàng và các cơ hội trên khắp thế giới trong vài thập kỷ qua. UPS mong muốn tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách và đối tác trong toàn ngành logistics để phát huy những thành tựu đã đạt được và tạo ra một môi trường giao thương, tăng trưởng bền vững và cùng có lợi trong dài hạn.

Bình luận với VnBusiness về sự kiện trên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), đánh giá đây là cơ hội để Việt Nam đón làn sóng đầu tư lớn từ Mỹ. Chuyến đi lớn này xuất phát từ việc Mỹ rất quan tâm tới Việt Nam, lâu nay luồng vốn từ Mỹ đầu tư tại Việt Nam không phải ít nhưng lại qua nước thứ 3 mới vào Việt Nam, dù điều này chưa có thống kê cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch VAFIE, những lợi thế mà Việt Nam có là tình hình kinh tế - chính trị ổn định, Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu các chính sách ưu đãi mới khi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng – trong đó nhiều “đại bàng” Mỹ sẽ nằm trong đối tượng chịu tác động… Đây là điều khiến nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến Việt Nam, đồng thời thăm dò môi trường đầu tư kinh doanh.

“Đây là cơ hội cũng như thách thức”, theo ông Toàn vì khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì rõ ràng chúng ta không còn công cụ thuế, chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đáp ứng một cách tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, nhà đầu tư Mỹ chắc chắn không chỉ đến mình Việt Nam, mà còn có những động thái tương tự, thăm dò môi trường đầu tư với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Ấn Độ, chứ không chỉ Việt Nam. “Doanh nghiệp Mỹ đang tìm nhà cung cấp, nơi đầu tư để tạo nên chuỗi giá trị mới. Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá phải nắm bắt cơ hội”, ông Toàn nhấn mạnh.

Theo đó, Phó Chủ tịch VAFIE cho rằng những điểm yếu mà Việt Nam cần khắc phục là liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài còn yếu, công nghiệp phụ trợ kém phát triển, doanh nghiệp Việt Nam phải lớn mạnh để “bắt tay” với doanh nghiệp nước ngoài – tự học công nghệ để hợp tác. Ngoài ra, các yếu tố về hạ tầng, logistics, chất lượng nguồn nhân lực, tính minh bạch trong hệ thống hành chính… cần được cải thiện.

“Đối với nhà đầu tư Mỹ, tính minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng, đó là kiểm soát tham nhũng khi xử lý thủ tục hành chính, chi phí phi chính thức phải chấm dứt”, ông Toàn khuyến nghị.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hai nền kinh tế Việt Nam – Mỹ có tính bổ trợ lẫn nhau và còn rất nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác và phát triển trong tương lai. Tôi mong muốn thời gian tới, doanh nghiệp Mỹ phải là nhà đầu tư số một, nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam để phát huy mọi cơ hội hợp tác trong quá trình phát triển của hai quốc gia dựa trên mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Bộ KH&ĐT sẽ cam kết là cơ quan đầu mối, địa chỉ tin cậy, cùng đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ để đầu tư kinh doanh có hiệu quả và thành công tại Việt Nam.

Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN

Hơn 50 công ty hàng đầu Mỹ thăm Việt Nam lần này sẽ tham gia vào hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Một số công ty đánh giá Việt Nam là một trung tâm sản xuất và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng phát triển với mức tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2023 có “khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi” như đánh giá của Thủ tướng việc có gần 50 doanh nghiệp hàng đầu Mỹ đến Việt Nam gặp gỡ Chính phủ và các đối tác kinh doanh thể hiện lòng tin và sự quan tâm rất lớn với thị trường Việt Nam.

Ông Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam

Việc thu hút đầu tư từ Mỹ được kỳ vọng sẽ đem tới cơ hội tiếp cận công nghệ nguồn cao hơn cho Việt Nam. Chưa kể, doanh nghiệp Mỹ có tiêu chuẩn về môi trường, hướng đến xã hội cao, điều này phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. Họ chờ đợi Việt Nam bứt phá, trở thành con rồng Đông Nam Á để họ ủng hộ, hợp tác. Vấn đề còn lại là việc Việt Nam sẽ chuẩn bị những điều kiện gì để "lót ổ", tạo niềm tin cho nhà đầu tư rót vốn.

Theo Nhật/Linh vnbusiness.vn