Đại biểu quốc hội tán thành bổ sung vốn điều lệ cho Agribank

PV.

Chiều 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Bổ sung vốn, hỗ trợ kịp thời cho “tam nông”

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Với vị trí, vai trò quan trọng của Agribank trong hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc bổ sung vốn điều lệ không chỉ bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn và tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng mà còn có tính lan tỏa, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị làm rõ việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu cho ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động bất thường thì tăng vốn điều lệ sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng, cũng như giúp ngân hàng gia tăng huy động vốn, mở rộng tín dụng. Đặc biệt, tín dụng của Agribank có đến 70% là dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên cần phải có sự hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng điểm quan trọng nhất là chi bổ sung vốn điều lệ cho Agribank không phải chi tiêu dùng mà là chi đầu tư và cần xem xét đến hiệu quả. Qua xem xét các báo cáo kiểm toán đối với Agribank cho thấy, lợi nhuận trước thuế trên 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng sau thuế là 11.048 tỷ, trong khi vốn điều lệ chỉ có 30.000 tỷ. Điều này cho thấy tỉ suất lợi nhuận và hiệu quả đầu tư ở đây. Do đó đại biểu bày tỏ nhất trí cao đối với việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) cũng trao đổi thêm về chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại. Đại biểu cho biết trong hệ thống tổ chức tín dụng có 04 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước. Hiện nay cả 04 ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Trong số 04 ngân hàng này chỉ có Agriabank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước còn các ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỉ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị thời gian tới khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 25/2016/QH14 trong đó có quy định liên quan đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại thì cũng cần tổng kết đánh giá toàn diện quy định không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại. Từ đó có cơ sở để định hướng điều chỉnh chính sách phù hợp theo hướng vừa bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng vừa bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, không tạo áp lực cho ngân sách nhà nước.

Kết quả hoạt động ấn tượng trong 5 năm gần đây

Tại phiên họp, báo cáo thêm một số thông tin cụ thể liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, những năm qua, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những cải thiện rất rõ nét, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và tăng trưởng hằng năm. Nợ xấu được kiểm soát, lợi nhuận liên tục tăng trưởng cao và tăng nộp ngân sách của Nhà nước.

Tính đến 31/12/2019 tổng tài sản của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triên nổng thôn là 1.451.000 tỷ và bình quân giai đoạn 2014-2019 tăng trưởng khoảng 13,7%/năm; về huy động vốn, đến 31/12/2019 tổng nguồn vốn đạt 1.351.000 tỷ và tăng trưởng cho giai đoạn 2014-2019 rất ổn định, bình quân tăng trưởng huy động vốn là 14%/năm.

Về hoạt động tín dụng thì đến cuối năm 2019 dư nợ cho vay đạt 1.150.000 tỷ và dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 782.000 tỷ; tỉ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn bình quân giai đoạn 2014-2019 duy trì khoảng 70% so với tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát. 

Chất lượng tài sản cũng được kiểm soát. Theo đó, nợ xấu năm 2019 là 1,52%, lợi nhuận sau thuế liên tục tăng trưởng cao và vượt kế hoạch hằng năm. Năm 2018 lợi nhuận sau thuế đạt khoảng trên 6.000 tỷ và năm 2019 đạt khoảng 11.000 tỷ; nộp ngân sách nhà nước đầy đủ và tăng dần hằng năm với tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2014-2019 là 14.300 tỷ đồng. Đây là những con số cho thấy kết quả hoạt động, đặc biệt trong 5 năm gần đây của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông rất ấn tượng và kết quả rất tích cực.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là doanh nghiệp 100% vốn cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Những năm vừa qua Agribank luôn được đánh giá xếp loại A và năm 2019 dự kiến cũng được xếp loại A. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội quy định là “không dùng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại”, do vậy việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội. Sau khi Quốc hội xem xét, có chủ trương thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành hữu quan thực hiện các trình tự, thủ tục tăng vốn theo quy định của Luật số 69 cũng như Nghị định số 91 của Chính phủ có các quy định cụ thể.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận, Quốc hội nhất trí về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất trí đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9 việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019, tương ứng với số lượng lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.