Đảm bảo "6 rõ" trong chỉ đạo, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia
Trên cơ sở tham mưu của Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm nguyên tắc “6 rõ".

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đã trình Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Trưởng ban Ban Chỉ đạo ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo.
Tại chương trình công tác, Ban Chỉ đạo đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương, bảo đảm nguyên tắc “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả”, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và xử lý các khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, phân định thẩm quyền đi đôi với công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi định kỳ, đột xuất tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Ban Chỉ đạo Trung ương và các bộ, cơ quan Trung ương, bảo đảm nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và tính hiệu quả, thực chất trong công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Nhiệm vụ trọng tâm được nêu rõ tại Kế hoạch. Theo đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chú trọng công tác hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, chủ động rà soát, kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương và địa phương sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Cùng với đó, kịp thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan bảo đảm việc tổ chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không bị gián đoạn, hoàn thành cao nhất các mục tiêu được giao.
Ban Chỉ đạo yêu cầu có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu giải ngân 100% dự toán, kế hoạch được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chương trình thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp cũng được yêu cầu đẩy mạnh để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc. Từ đó đề xuất giải pháp xử lý, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tình hình sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương. Đặc biệt, tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của từng cấp, tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại kế hoạch này, Ban Chỉ đạo cũng phân công cụ thể từng nội dung, nhiệm vụ trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 gắn với từng thành viên, cơ quan thực hiện, cơ quan phối hợp và thời gian hoàn thành.
Trong đó, nội dung xây dựng Hồ sơ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (thay thế các Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP) theo trình tự, thủ tục rút gọn sẽ do Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chịu trách nhiệm chỉ đạo. Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện nội dung này.
Bộ Tài chính cũng là cơ quan thực hiện Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Thành viên Ban Chỉ đạo theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo (06 tháng và năm 2025); Báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết số 120/2020/QH14, số 24/2021/QH15, số 25/2021/QH15, số 111/2024/QH15 của Quốc hội và các Nghị quyết khác của Quốc hội có liên quan.
Ban Chỉ đạo cũng phân công rõ địa bàn theo dõi và chỉ đạo đối tới từng thành viên của Ban chỉ đạo. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn.
Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo được ban hành nhằm tập trung công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện và quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2030. Đồng thời, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế và thực hiện có hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chương trình cũng hướng đến tập trung chỉ đạo, điều hành công tác hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 theo các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Chính phủ. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định; đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của 03 chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh.