Đảm bảo an toàn thực phẩm khi dịch tái bùng phát
Để bảo vệ sức khỏe của người dân khi dịch Covid-19 tái bùng phát, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) đang tiếp tục tăng cường lực lượng, tần suất kiểm tra hoạt động tại chợ truyền thống, chợ tự phát, quán ăn trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền cho người dân về những biện pháp sử dụng thực phẩm đúng cách để phòng dịch.
Theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, đến nay trên địa bàn thành phố có 238 chợ đang hoạt động. Trước tình hình dịch tái bùng phát, việc kiểm tra hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm của các chợ được lực lượng chức năng tích cực kiểm tra.
Bên cạnh đó, nhằm phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, 3 chợ đầu mối gồm chợ Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn đang được Sở Công thương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Cục QLTT thành phố tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.
“Trên thực tế, kể từ khi dịch xuất hiện trở lại, ban quản lý các chợ cũng rất chủ động trong việc thông báo những thông tin, chủ trương chính sách mới của thành phố cho tiểu thương nắm bắt thực hiện. Cụ thể như tuân thủ các biện pháp phòng dịch về đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, thực hiện vệ sinh sạch sẽ quầy hàng… Những việc này đều được tiểu thương đồng lòng triển khai thực hiện”, bà Trần Thị Tâm, một tiểu thương quầy thực phẩm tươi sống tại chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh, cho biết.
Cùng sự vào cuộc trên, theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), người tiêu dùng cần thực hiện một số biện pháp về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm góp phần phòng chống dịch. Cụ thể, cần sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.
Đối với việc chế biến thực phẩm tại nhà, theo Viện Dinh dưỡng, người tiêu dùng cần sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn...).