Vượt đại dịch, kinh doanh thực phẩm tiếp tục lãi “khủng”
Bất chấp dịch bệnh, bằng các chiến lược đúng đắn và kịp thời để bắt kịp xu hướng tiêu dùng nên trong nửa đầu năm nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tiếp tục báo lãi lớn.
Kinh doanh dầu ăn lãi nhờ chuyển hướng nhanh
Theo thông tin từ Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), do là công ty cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngành thực phẩm thiết yếu, để đồng hành cùng cả nước chiến đấu dịch bệnh, Vocarimex đã chủ động nhập hàng, tìm kiếm nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu. Vocarimex cũng theo dõi chặt chẽ giá dầu và hàng tồn kho, dự báo giá dầu… nhằm gia tăng sức cạnh tranh của mình; đồng thời tập trung đẩy mạnh các dòng sản phẩm có lợi nhuận cao. Nhờ đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2020 của Vocarimex đạt 1.373 tỷ đồng, tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 giảm 17,4% so với năm trước do công ty tiến hành kiểm soát chặt chẽ chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và cải thiện việc thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận. Điều này kéo lợi nhuận gộp năm 2020 đạt 33 tỷ đồng, tăng 114,41% so với cùng kỳ năm trước.
Dầu ăn lãi lớn nhờ chuyển hướng nhanh trong đại dịch |
Giống như Vocarimex, Công ty CP Dầu thực vật Tường An (TAC) cũng kịp thời chuyển dịch danh mục sản phẩm để thúc đẩy doanh thu phù hợp với từng giai đoạn và từng vùng miền, tập trung phát triển các sản phẩm cao cấp và cốt lõi, có lợi nhuận cao. Theo đại diện của Tường An, trong thời điểm cùng cả nước chống dịch, thấy được vai trò của mình trong ngành thực phẩm thiết yếu, Tường An đã chủ động tăng cường sản xuất để có đủ hàng hóa phục vụ đa kênh, cung cấp cho nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân. “Sự chuyển hướng kịp thời đã kéo doanh thu thuần 6 tháng của Tường An đạt 2.189 tỷ, vượt 28,12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt mức tăng ấn tượng 20,21%”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ. Cũng theo vị này, trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, TAC đã rà soát và cắt giảm các chi phí không hiệu quả, nhờ đó, lợi nhuận trước thuế đạt 84,8 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ về định hướng sắp tới, các doanh nghiệp cho biết sẽ tăng cường dự báo tình hình nguyên liệu để tạo được nguồn nguyên liệu giá tốt và đẩy mạnh công tác bán hàng, tiếp tục cung cấp các sản phẩm dầu sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.
Điểm sáng ngành thực phẩm chế biến
Tới thời điểm này, kinh doanh thực phẩm thiết yếu được đánh giá là ngành hàng duy nhất “hưởng lợi” trong đại dịch. Thống kê hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nhóm ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tuy xuất khẩu giảm nhưng ngược lại nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh kéo doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm 6 tháng của thành phố đạt 68.553 tỷ đồng, tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 9,7%). Những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm thiết yếu có doanh thu tăng khả quan có thể kể như KIDO, Meizan,…
Không tiết lộ cụ thể doanh thu, lợi nhuận song ông Lưu Huỳnh - Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Meizan CLV - cho biết, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh là nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng qua tăng trưởng đến 65% so với cùng kỳ 2019. “Sự kịp thời huy động đủ nguyên liệu sản xuất, tăng công suất nhà máy trong các tháng cao điểm của đại dịch đã giúp Meizan đạt kết quả này và ngành hàng mì - nui đã tăng ấn tượng 300% so với tháng cao điểm 2019”, ông Huỳnh cho biết thêm.
Với đà kinh doanh hiện nay cùng diễn biến thị trường còn tiềm năng, Meizan CLV dự kiến 6 tháng cuối năm, sản lượng mì nui cũng sẽ tăng trưởng thêm 20% do hợp tác sản xuất gia công cho Bách Hoá Xanh. Để đạt được, công ty mở rộng nhà máy Meizan và dự kiến hoàn thành 2021, nâng công suất lên hơn 200% so với hiện tại.
Với Tập đoàn KIDO, do đẩy mạnh tập trung kinh doanh mảng thực phẩm thiết yếu nên lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của tập đoàn này đã tăng 17,4% so với cùng kỳ và đạt 54% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm. Cụ thể, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3.683 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng, đạt 54% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Theo đại diện KIDO, trong giai đoạn tới, tập đoàn sẽ chú trọng các sản phẩm cốt lõi và cao cấp có lợi nhuận cao, đồng thời thâm nhập vào các ngành hàng mới với sản phẩm tiên phong là bánh trung thu sẽ được ra mắt vào quý III/2020.
Dù kinh doanh đang trên đà tích cực song nhiều doanh nghiệp cho biết, để duy trì tăng trưởng, doanh nghiệp cần khắc phục những rủi ro trong việc đứt gãy nguồn nguyên liệu sản xuất. Lý do, hiện nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước đã giảm xuống còn mức trên dưới 40% và đây là nguyên liệu tinh chế mà trong nước chưa có nhà máy đầu tư sản xuất. Vì thế các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh thu hút có chọn lọc những doanh nghiệp sản xuất tinh nguyên liệu đi kèm yêu cầu phải trích tỷ lệ sản xuất nhất định để cung ứng cho thị trường.