Bộ Công Thương:

Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống

Theo Nguyễn Uyên Hương/bnews.vn

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương, sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.

Bộ Công Thương cam kết sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công Thương cam kết sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.

Tại cuộc họp với các đơn vị trực thuộc Bộ vào chiều tối 19/3 tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Các phương án dự phòng cần được sẵn sàng để đối phó với tất cả tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành… vẫn phải đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân”.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương, sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, với vai trò là Bộ quản lý lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, Bộ Công Thương khẳng định, có thể đáp ứng được nhu cầu các thực phẩm thiết yếu của nhân dân, nếu dịch bệnh kéo dài một tháng, hai tháng, 6 tháng và lâu hơn nữa.

Trong tình huống khẩn cấp hơn, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ huy động nguồn dự trữ quốc gia. Ngoài ra, các đơn vị chức năng phải đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, công khai và minh bạch và không nên phụ thuộc vào một kênh liên lạc. Những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phải được cập nhật ngay, kịp thời và chuyển tới từng đơn vị để vào cuộc.

Cùng chung quan điểm này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, Bộ Công Thương đã rà soát và chắc chắn được khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương, trong tổng thể nguồn cung của cả nước.

Báo cáo tại cuộc họp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay đã có 55 tỉnh thành trong cả nước gửi báo cáo; trong đó, đã có các “kế hoạch tác chiến”, kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ.

Các kế hoạch cũng đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm báo hàng sẽ được bố trí ra sao đều được tính toán cụ thể.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh; trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm từ 30 -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.

Cụ thể, gạo 46.485 tấn; thịt lợn 9.297 tấn; thịt trâu, bò 2.675 tấn; thịt gia cầm 3.099 tấn; trứng gia cầm 62 triệu quả; dầu ăn 3.070 nghìn lít; muối ăn, bột canh 356 tấn; rau củ 51.650 tấn; thủy hải sản 2.582,5 tấn; thực phẩm chế biến 2582,5 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc 464.85 triệu gói.

Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. Tổng lượng hàng cần thiết là gạo 90 tấn; thịt lợn 6,75 tấn; trứng gia cầm 75 nghìn quả; muối ăn, bột canh 750 kg; thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; thực phẩm chế biến 6,75 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc như mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…tổng cộng 60 nghìn gói.

Ngay trong chiều ngày 19/3, Sở Công Thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường.

Tại Ninh Thuận, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Vincommerce đã liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận để phối hợp tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Ninh Thuận gồm danh sách, số lượng và giá của 100 sản phẩm thiết yếu.

Riêng đối với địa bàn bị cách ly (thôn Văn Lâm 3 với quy mô khoảng 5.000 dân sinh sống), chính quyền xã và huyện đã phối hợp với Vincommerce lên danh sách các mặt hàng nhu yếu phẩm của người dân và thực hiện cung ứng các mặt hàng này cho người dân tại thôn.

Siêu thị SaiGon Co.op cũng đang phối hợp với Sở Công Thương Ninh Thuận để thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho địa bàn tỉnh Ninh Thuận nói chung và hỗ trợ cung ứng hàng cho khu vực cách ly nói riêng.

Vụ Thị trường trong nước đã liên hệ với Hiệp hội Lương thực để phối hợp đôn đốc Tổng Công ty lương thực Miền Nam triển khai việc điều phối nguồn cung gạo cho địa bàn Ninh Thuận;  liên hệ với Vinatex để yêu cầu phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương Ninh Thuận cung cấp gấp 100.000 khẩu trang vải cho địa bàn tỉnh này.

Còn với địa bàn Hải Dương, địa phương đã dự kiến lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 3.000 người trong thời gian 30 ngày. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu khi có tình huống cách ly xảy ra.

Sáng 19/3, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã bắt đầu triển khai các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu như kịch bản đã xây dựng. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hải Dương, về cơ bản, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh trong tỉnh khá dồi dào. Số lượng hàng thực phẩm tươi sống và hàng dự trữ lưu thông bình quân của các thương nhân luôn sẵn sàng phục vụ cho số lượng dân cư từ 20.000 - 40.000 người.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cam kết sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, kinh doanh từ 50-100% khi có yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Riêng Big C Hải Dương sẵn sàng phục vụ các xuất ăn nhanh khi cần.

Như vậy, nếu tính bình quân một khu vực bị cách ly có khoảng 3.000 dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này sẵn sàng phục vụ từ 7 đến 12 khu cách ly (theo kịch bản) và khi cần có thể phục vụ 30 khu cách ly hoặc chi viện các địa phương khác trong cả nước.

Đối với mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn, ngoài các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp ở tỉnh ngoài mà Sở Công Thương Hải Dương đã liên hệ, hiện trên địa bàn tỉnh thì đã có một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất hoặc nhập hàng về kinh doanh luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho các tổ chức, cá nhân.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị cần lập đoàn khảo sát thực tế, trên tinh thần nhỏ, gọn thành phần tham dự, nhưng công khai minh bạch để làm việc với một số địa phương, điểm nóng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo ổn định thị trường, không để hiện tượng lợi dụng dịch bệnh đầu cơ tăng giá, hàng nhái hàng giả trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.