Đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển
Vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/6. Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển cần đánh giá tác động môi trường kĩ lưỡng, không khai thác tận diệt, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển.
Không khai thác tận diệt tài nguyên biển
Liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển được đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng thể hiện sự phát triển bền vững của kinh tế biển. Bộ trưởng cho hay, từ Nghị quyết này, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương đã được lồng ghép tổ chức thực hiện.
Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển. Theo đó, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.
Theo Bộ trưởng, cần ưu tiên bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, không khai thác tận diệt tài nguyên biển. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển hướng từ đánh bắt tàn lan, đánh bắt tận diệt sang đánh bắt có kiểm soát và phát triển nuôi biển là hết sức cấp thiết, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ về công tác quy hoạch; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng về các cơ chế chính sách thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản, nuôi biển, nuôi xa biển…
Liên quan đến hoạt động lấn biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, hoạt động lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội cần phải được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến chống biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến Việt Nam và nước ta là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu.
Cho rằng biến đổi khí hậu tác động đến nguồn nước, Bộ trưởng nhấn mạnh, để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần phải đảm bảo được nguồn nước nội sinh. Theo đó, chúng ta phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến tình hình sạt lở của khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như miền núi phía Bắc.
Để khắc phục và giảm thiểu tối đa tình trạng này, Bộ trưởng thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá về trữ lượng của cát, sỏi lòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng như thế nào.
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, các địa phương đều đã có quy hoạch nên cần có sự rà soát, sắp xếp lại dân cư những vùng có nguy cơ bị sạt lở. Ngoài ra, cần có quy định và xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. Cuối cùng là phải nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lở đất.
Để tăng cường công tác dự báo, Bộ đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc nâng cấp trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường năng lực dự báo và hiện đã tiếp cận với trình độ quốc tế. Điển hình như công tác dự báo hạn mặn được triển khai hiệu quả, cung cấp các bản tin thủy văn, cung cấp các bản tin cảnh báo thường xuyên theo chu kỳ 10 ngày, 1 tháng và theo mùa.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác này để có thể dự báo sớm, cảnh báo sớm và ngăn chặn các rủi ro của biến đổi khí hậu gây ra.