Đảm bảo về xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan
Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ ngày 8/3/2019. Theo đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì doanh nghiệp cần phải đảm bảo về xuất xứ hàng hóa.
Hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng ưu đãi thuế quan
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP gồm 5 Chương, 33 Điều và 9 Phụ lục kèm theo.
Cụ thể, các chương bao gồm Quy định chung; Quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa; Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; Quy định riêng đối với hàng dệt may và Điều khoản thi hành.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, để bảo đảm đúng hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng ưu đãi thuế quan mà các nước thành viên Hiệp định dành cho nhau, FTA (Hiệp định thương mại tự do) có chương quy tắc xuất xứ nhằm quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa. Như vậy, quy tắc xuất xứ chính là công cụ vô hiệu hóa ưu đãi thuế quan FTA nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ và cũng là công cụ phân biệt lợi thế về thuế quan của các nước trong FTA với các nước bên ngoài FTA.
Những điểm mới
Ông Vũ Hùng Thịnh, Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ rõ: So với các FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới, gồm: quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo.
Đối với công thức tính RVC (Công thức tính một ngưỡng theo tỷ lệ phần trăm mà hàng hóa phải đạt được đủ để coi là có xuất xứ) thì ngoài công thức gián tiếp và trực tiếp, có thêm công thức tính RVC theo trị giá tập trung và công thức tính RVC theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng với ô tô và phụ tùng ô tô).
Danh mục PSR (quy tắc cụ thể mặt hàng) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể. Do đặc thù cấu trúc danh mục PSR trong CPTPP, Thông tư gồm 3 danh mục PSR là danh mục PSR đối với mặt hàng dệt may, danh mục PSR đối với xe và các bộ phận, phụ kiện và danh mục PSR đối với các mặt hàng còn lại.
Đối với “De Minimis” (tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa) trong CPTPP quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép 10% nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xứ nhưng thành phẩm vẫn được coi là có xuất xứ, các ngành khác có thể linh hoạt 10% theo trị giá; riêng ngành dệt may có tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa riêng.
Trong CPTPP, mẫu C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định lại CPTPP. Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.
Một điểm nữa là Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và các quy định khác có liên quan.
Ông Thịnh cũng cho biết, đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu.
Vị đại diện này cũng nhấn mạnh, các FTA, trong đó có CPTPP, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì phải đảm bảo về xuất xứ hàng hóa. Nhằm thực hiện tốt vấn đề này, các doanh nghiệp cần phải thường xuyên tìm hiểu, nắm rõ thông tin về quy tắc xuất xứ hàng hóa; thực hiện các quá trình đảm bảo về yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng như các hồ sơ, giấy chứng nhận theo quy định của nước nhập khẩu.
CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019. Đây là Hiệp định có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, đặc biệt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại
Bà Trịnh Thị Thu Hiền nhấn mạnh: Không chỉ có CPTPP, tại một số FTA Việt Nam đang đàm phán, theo xu hướng thương mại quốc tế, cơ chế chứng nhận xuất xứ bao gồm (1) cơ chế cấp C/O do cơ quan có thẩm quyền phát hành và (2) cơ chế tự chứng nhận xuất xứ do doanh nghiệp tự phát hành.
“Hai cơ chế này được ví tựa như việc sau khi sinh con, chúng ta ra UBND xã/ phường làm giấy khai sinh cho con hoặc ở nhà tự viết giấy khai sinh cho con mình. Với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp được trao quyền tự khai báo và cam kết về xuất xứ hàng hóa thay cho việc đề nghị cấp C/O tại các cơ quan, tổ chức cấp,” bà Hiền dẫn chứng.
Theo bà Hiền, thông qua các buổi tập huấn, một số doanh nghiệp khá tích cực tìm hiểu quy định nhằm triển khai tốt trong thời gian chuyển tiếp và chuẩn bị cho thời điểm được phép tự chứng nhận xuất xứ. Đa số trong số này là các công ty lớn, có hiểu biết về xuất xứ hàng hóa và đã có tỷ lệ sử dụng C/O cao khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường FTA của Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp trao đổi lại là, do cơ chế này rất mới ở Việt Nam nên doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, sợ rằng chứng từ do doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ bị hải quan nước nhập khẩu từ chối và không cho hưởng ưu đãi. Các doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại như vậy để mạnh dạn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi được cho phép, qua đó tận dụng tốt hơn nữa các lợi ích mà FTA đem lại.