Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):

Đảm bảo việc in và phát hành Giấy bạc Tài chính an toàn trong hoàn cảnh kháng chiến

PV. (T/h)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Để chủ động về mặt tài chính, khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế của Nhà nước cách mạng non trẻ, ngành Tài chính đã phát hành thành công Giấy bạc Tài chính hay Giấy Bạc Cụ Hồ, vừa làm vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, tín dụng, tiền tệ, vừa đảm bảo cung cấp cho nhu cầu chi tiêu tài chính của đất nước và quốc phòng.

Tiền loại 1 đồng, Bộ Tài chính và ngân khố Trung ương phát hành sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Ảnh chụp HV BTLSQG)
Tiền loại 1 đồng, Bộ Tài chính và ngân khố Trung ương phát hành sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Ảnh chụp HV BTLSQG)

Miền Bắc: chuyển nhà máy in tiền lên Việt Bắc

Để đảm bảo an toàn cho hoạt động in tiền, trước ngày kháng chiến toàn quốc, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết định di chuyển một bộ phận của Nhà in Tô-panh lên đồn điền Chi-nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện tại Lạc Thủy, Hòa Bình. Quá trình vận chuyển máy móc, thiết bị được thực hiện an toàn, bí mật và đây là nơi cho ra đời những lô tiền mới nhiều mệnh giá như mệnh giá 5 đồng, 50 đồng và 100 đồng, kịp thời phục vụ nền tài chính kháng chiến.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, cùng với mục tiêu tìm và tiêu diệt đầu não kháng chiến, thực dân Pháp tập trung truy tìm, tiêu diệt các cơ sở tài chính của ta, trọng tâm là các nhà máy in tiền. Ngày 22/2/1947, Pháp cho máy bay ném bom oanh tạc đồn điền Chi-nê, gây một số thiệt hại về nguyên vật liệu phục vụ cho công tác in tiền.

Trước việc cơ sở in tiền ở đây bị lộ, ngày 3/3/1947, Chính phủ đã cho phép chuyển nhà máy in tiền lên Việt Bắc, đặt tại Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Nhiệm vụ di chuyển nhà máy từ Chi-nê, Hòa Bình lên Việt Bắc trong điều kiện kháng chiến khó khăn, phương tiện vận chuyển thiếu hụt nghiêm trọng, đường sá bị phá hủy, máy bay địch thường xuyên xuất hiện và bắn phá là một hành trình dài 2 tháng đầy gian khó.

Gương hy sinh anh dũng khi vận chuyển máy in tiền của đồng chí Phạm Văn Khang, Tổ trưởng Tổ sản xuất - Sở Đúc tiền - Bộ Tài chính và 8 đồng đội tại địa phận thôn Minh Tân, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khi vận chuyển máy in tiền qua Sông Lô là minh chứng cho máu của người cán bộ tài chính đổ xuống vì nền độc lập dân tộc trong giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp.

Nhằm chủ động việc đảm bảo in tiền trong mọi tình huống, bên cạnh việc đưa nhà máy in tiền vào sâu trong rừng, xây dựng thêm Nhà máy in tiền Khánh Thi tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (hoạt động từ tháng 11/1947), sau đó tiếp tục được di dời về cơ sở in tiền tại Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Miền Trung: Di chuyển vào sâu vùng rừng núi để đảo bảo an toàn cho công tác ấn loát đặc biệt

Tại Trung Bộ, việc bảo vệ cơ sở in tiền gặp thách thức lớn hơn. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ phải di chuyển từ Huế ra vùng tự do Khu 4 là tỉnh Hà Tĩnh. Nhằm tránh bị địch oanh tạc, phá hoại, các cán bộ, công nhân của Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ phải tháo dỡ máy móc thiết bị trên tàu, đưa xuống đò và cất giấu dọc bờ sông La.

 Sau khoảng 2 tháng vừa chuyển và lắp đặt, nhà máy in tiền tại xóm Văn Giang, xã Thịnh Văn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh mới hoàn thành và đi vào hoạt động. Tại đây, đồng tiền tài chính, Giấy bạc Cụ Hồ các mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng ra đời. Trước sự mở rộng của chiến trường, cuối năm 1947, đầu năm 1948, một lần nữa Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ phải di chuyển vào sâu vùng rừng núi tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nhằm đảo bảo an toàn cho công tác ấn loát đặc biệt.

Trước sự mở rộng đánh chiếm của giặc Pháp ở Trung Bộ, công tác ấn loát Giấy bạc Tài chính tại Trung Bộ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu giấy mực, nhất là khuôn mẫu bạc có lúc không đầy đủ. Tuy nhiên, nhờ sự năng động, sáng tạo, nhà máy in tiền đã duy trì việc in Giấy bạc Tài chính không bị đình trệ, phục vụ kịp thời giấy bạc để phát hành, góp phần xây dựng một nền kinh tế - tài chính tiền tệ độc lập, tự chủ.

Miền Nam: Cơ sở vật chất, kỹ thuật thời kỳ đầu vô cùng thiếu thốn

Là mặt trận mở màn sớm nhất, gian khó nhất trong kháng chiến chống Pháp nên việc in tiền tại Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Theo Sắc lệnh số 102/SL ngày 1/11/1947 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban Ấn Loát đặc biệt ở Nam Bộ được thành lập và trụ sở được đặt tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An .

Do ở xa Trung ương Đảng và Chính phủ, cơ sở vật chất, kỹ thuật thời kỳ đầu vô cùng thiếu thốn từ máy móc, vật liệu, hóa chất, nguồn nhận lực và đặc biệt là nguồn tài chính phục vụ in tiền nên phải đến đầu năm 1948, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ mới chính thức đi vào hoạt động . Khắc phục muôn vàn khó khăn, thời kỳ đầu Ban chủ yếu in tiền mệnh giá nhỏ 1 đồng, 5 đồng và 20 đồng, đáp ứng nhu cầu tài chính cho kháng chiến.

Từ năm 1949, khi địch mở rộng chiến tranh, đánh phá, ném bom càn quét các vùng chiến khu, cơ sở cách mạng ở Đồng Tháp Mười nên Ban Ấn Loát đặc biệt ở Nam Bộ phải vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu theo các kênh, rạch, qua nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ từ 1 - 2 tháng mới đến Vùng Sác, U Minh, huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển thuộc tỉnh Cà Mau.

Được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, đồng tiền Việt Nam đã thay thế và đẩy lùi đồng tiền Đông Dương trên những vùng do chính quyền của ta kiểm soát. Tháng 5/1947, Chính phủ ban hành lệnh cho lưu hành trong toàn cõi Việt Nam, giấy bạc Việt Nam các loại từ 1 đồng đến 500 đồng. Tiền Việt Nam phát hành được sử dụng hầu như cho mọi yêu cầu chi của Nhà nước, nhưng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội chưa tổ chức các chiến dịch lớn, nhu cầu chi về quân sự chưa quá nhiều; chi về hành chính sự nghiệp còn thấp do bộ máy nhà nước được bố trí gọn, nhẹ, hợp với hoàn cảnh kháng chiến, bởi vậy khối lượng tiền Việt Nam phải phát hành thêm để bảo đảm chi chưa phá vỡ cân đối với khối lượng hàng hóa lưu thông...

Do vùng tự do của ta bị thu hẹp, kháng chiến mở rộng khiến quỹ lương và các chi phí tài chính của Nhà nước thời kỳ này tăng lên nhanh chóng cùng với việc tiền Đông Dương của địch, ta vẫn để song song lưu hành với tiền Việt Nam trong vùng ta kiểm soát; mãi đến quý II/1948, Chính phủ mới tuyên bố tiền Đông Dương không còn giá trị lưu hành trong vùng tự do.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).