Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Địa điểm mới, kết quả cũ?
Ngày 24/7, Nhà Trắng cho biết, các nhà đàm phán của Mỹ sẽ đến Thượng Hải vào tuần tới để tiến hành đàm phán thương mại.
Mặc dù cuộc đàm phán được diễn ra tại địa điểm mới là Trung tâm Tài chính Thượng Hải, thay vì Thủ đô Bắc Kinh như thường lệ, nhưng các nhà phân tích kinh tế đã nhanh chóng loại bỏ khả năng hai nước sẽ có những đột phá lớn trong cuộc đàm phán này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, cuộc đàm phán lần này sẽ kéo dài hai ngày từ 30-31/7, sau đó sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán tại Washington.
Nhiều doanh nghiệp đang mong chờ một tín hiệu tốt để chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dennis Muilenburg, Giám đốc điều hành của Boeing cho biết, hãng này đang theo dõi sát các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc là một phần quan trọng của thị trường máy bay toàn cầu, thị trường này sẽ giúp hỗ trợ tỷ lệ sản xuất của Boeing.
Còn Jim Barber, Giám đốc điều hành của công ty chuyển phát nhanh UPS hy vọng, đàm phán thương mại lần này sẽ chấm dứt các đợt thuế quan. Nếu ông Trump áp dụng mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, bao gồm nhiều mặt hàng gia dụng như giày dép, sẽ gây nên những thiệt hại lớn chỉ trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, địa điểm đàm phán tại Thượng Hải đã thu hút sự quan tâm của các nhà phân tích kinh tế. Wendy Cutler, Phó Chủ tịch tại Viện Chính sách Xã hội châu Á cho biết, cuộc đàm phán thương mại lần này được tổ chức tại một thành phố không phải Thủ đô Bắc Kinh là "không theo quy tắc".
Theo David Dollar, một thành viên cao cấp tại Trung tâm John L. Thornton thuộc Viện Brookings, cả hai quốc gia đã ngầm báo hiệu rằng, sẽ không có bước đột phá lớn trong vòng đàm phán này, vì vậy, nơi họ gặp nhau không quan trọng.
Jeff Wright, một nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết, các cuộc đàm phán vào tuần tới sẽ xoay quanh quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và những khúc mắc về thương mại trong các cuộc họp trước. Hai bên cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc Trung Quốc nhập khẩu mở rộng các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, cũng như Mỹ sẽ ‘‘nới lỏng’’ các lệnh trừng phạt đối với Huawei.
Ông Jeff Wright dự đoán, sự tiến bộ trong lần đàm phán này có thể là phía Mỹ xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm đối với ‘‘gã khổng lồ’’ công nghệ Trung Quốc Huawei và phía Trung Quốc chính thức mua hàng nông nghiệp của Mỹ. Song, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ không tìm được tiếng nói chung và sẽ phải tiếp tục thêm nhiều cuộc đàm phán khác.
Ông Jeff Wright cho rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một kịch bản mà thuế quan của Tổng thống Trump sẽ được duy trì ít nhất trong suốt cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và kéo dài tới đầu năm 2021. "Phía Trung Quốc không còn đặt nhiều niềm tin vào ông Trump như một đối tác đàm phán", ông Jeff Wright nói.
Theo đó, trước cuộc đàm phán kéo dài hai ngày tại Thượng Hải, truyền thông Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu khó khăn. Trang Global Times lập luận cứng rắn, Mỹ không thể ‘‘mạnh tay’’ nếu Trung Quốc kiên quyết. Mỹ muốn tách Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu, ngăn chặn sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh "nên chuẩn bị đầy đủ để tiếp tục cuộc chơi dài hạn với Mỹ".
Trong một nghiên cứu được công bố sau khi các cuộc thảo luận thương mại Mỹ - Trung được nối lại bằng điện thoại, nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc JPMorgan Zhu Haibin khẳng định, kết quả đàm phán thương mại là "không chắc chắn". "Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ là một quá trình gập ghềnh và có thể lặp lại những kết quả như những lần đàm phán trong một năm qua," nhà kinh tế Zhu Haibin nói.