Chiến tranh tiền tệ đang tiến gần?
Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn biến phức tạp, Mỹ và một số ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu có sự thay đổi trong chính sách nới lỏng định lượng.
Các nhà phân tích của các ngân hàng và quỹ đầu tư lớn nhất đang cảnh báo: Trong bối cảnh suy thoái chung và thương mại quốc tế suy giảm mạnh, các ngân hàng trung ương đã phát động cuộc chiến tiền tệ toàn diện.
Sau khi tạm dừng kể từ đầu năm 2018, nhưng cuộc "chiến tranh lạnh tiền tệ" đang diễn ra giữa các khối thương mại lớn trên thế giới đã bùng phát trở lại. Thậm chí, không thể loại trừ việc một cuộc chiến tiền tệ toàn diện với sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và các chính phủng cùng các ngân hàng trung ương lớn khác để làm suy yếu chính đồng tiền của họ.
Joachim Fels, cố vấn kinh tế toàn cầu của Pacific Investment Management cho biết, trong tương lai gần Tổng thống Trump sẽ quyết định hạ giá đồng USD. Và ngay sau khi Bộ Tài chính đưa ra lệnh thích hợp, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York sẽ bắt đầu can thiệp vào chính sách tiền tệ.
Cùng với đó, tín hiệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Nhật Bản liên tục gợi ý về các biện pháp nới lỏng hơn nữa sẽ gây căng thẳng tiền tệ toàn cầu
Có thể thấy, khi nền kinh tế tăng trưởng, các loại tiền tệ mạnh có ưu tiên. Nhưng, các cuộc chiến tranh thương mại đã gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, vào cuối năm nay thế giới sẽ bắt đầu cảm nhận thấy những hậu quả, nhưng, cú đánh chính sẽ là vào năm 2020, 2021.
Theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2018 đã giảm 500 tỷ dollars Mỹ và kết thúc năm nay sẽ giảm tới con số kỷ lục là 1,5 nghìn tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng, nếu cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục, thì GDP toàn cầu sẽ giảm 5%, tức là khoảng 455 tỷ USD.
Trong tình huống này các ngân hàng trung ương đều sử dụng những biện pháp khác nhau để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, theo Bank of America, cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra và các ngân hàng trung ương của tất cả các quốc gia hàng đầu đã bị cuốn vào cuộc chiến này.
Điều khiến dư luận lo ngại là so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không gian cho việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã hẹp đi rất nhiều. Hơn nữa, việc tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ có thể cũng không mang lại hiệu quả lớn.
Chia sẻ trên chương trình Squawk Box của CNBC hôm 16/7, chuyên gia Vanvakidis cho rằng một cuộc chiến tranh tiền tệ ẩn hình kỳ thực đã bắt đầu, chỉ khác một điều là mọi người vẫn chưa công khai thừa nhận nó.
"Khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đều thực hiện chính sách nới lỏng định lượng, giá trị đồng tiền thực tế không hề thay đổi, không ai được lợi gì mà chỉ lãng phí thời gian", chuyên gia này khẳng định.
Do đó, nếu tất cả cùng một lúc cố gắng ảnh hưởng đến tỷ giá đồng tiền quốc gia của mình, thì không ai được hưởng lợi. Các biện pháp can thiệp như vậy chỉ tạo ra nhiều tác dụng phụ tiêu cực hơn. Ví dụ như các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chứng khoán của chính phủ Mỹ sẽ hoảng sợ và sẽ bắt đầu bán ra.
Trong cuộc chiến tranh tiền tệ đang dần lộ rõ, Mỹ vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm. Mỹ phát động chiến tranh thương mại với các đối tác thương mại lớn nhất của mình, nhưng đối thủ có 1 đồng nội tệ yếu hơn còn Mỹ lại có đồng tiền mạnh hơn. Mỹ đang đứng trước nguy cơ tự đẩy mình vào cuộc chiến tranh tiền tệ.