Đắn đo trước con đường nâng cao nội lực
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng chính vì sự xác định chưa rõ ràng mục tiêu chính sách, nên nhiều năm nay chúng ta loay hoay với một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mà hiệu quả hầu như không được bao nhiêu.
“Chỉ có 1% DNNVV muốn thành “đại gia”, trong khi 99% còn lại chấp nhận tồn tại ở quy mô nhỏ, đây là kết quả khảo sát của chúng tôi thông qua lấy ý kiến cộng đồng DN”, thông tin được ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Tham vấn Kế hoạch Phát triển DNNVV 5 năm 2016-2020”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6/1.
Thực trạng này cho thấy khối DNNVV vốn được coi là nội lực của nền kinh tế, đang dần cảm thấy đuối sức. Điều này cũng đồng nghĩa là nội lực của nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng không mấy khả quan.
Nội lực còn yếu ớt
Tổng kết của Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy thực trạng tương tự, khi điểm lại một số kết quả chính của Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015. Theo đó một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, song bên cạnh đó cũng có những chỉ tiêu chưa hoàn thành hoặc thành quả chưa rõ nét. Kết quả này nhìn chung cho thấy nội lực của nền kinh tế đã có những bước phát triển nhất định, có đóng góp tích cực, song vẫn còn khá yếu ớt.
Đơn cử như mục tiêu thành lập mới 350.000 DN trong giai đoạn 2011-2015, thì trong thực tế đã thực hiện được 380.000 DN. Tuy nhiên, so với mốc đặt ra là tính đến cuối năm 2015 cả nước có 600.000 DN hoạt động, thì con số thực tế đến cuối năm 2015 mới là khoảng 535.000 DN. Đó là do tình hình kinh tế giai đoạn vừa qua biến động mạnh, khiến số DN thành lập mới tuy không nhỏ, song chưa đủ bù cho số giải thể, phá sản, hay tạm ngừng hoạt động.
Hay với chỉ tiêu đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách, thì qua 5 năm, khu vực DNNVV đã vượt chỉ tiêu 1%, đóng góp khoảng 31% thu ngân sách nhà nước của toàn bộ khu vực DN. Tuy nhiên, với đóng góp vào GDP thì kết quả chưa thực sự rõ ràng. Thống kê của Cục Phát triển DN cho thấy giai đoạn này khu vực DN ngoài nhà nước đã đóng góp khoảng 45% GDP. Song ở đây chưa có sự bóc tách giữa DN lớn và DNNVV.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, nếu tách riêng phần GDP tạo ra của DN lớn thì DNNVV chưa chắc đã đóng góp được tới 40% GDP như mục tiêu đã đặt ra.
Xét về tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV, mục tiêu đặt ra của khối này là chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Tuy nhiên phần thực hiện, theo Cục Phát triển DN, là không thể thống kê được trong giai đoạn này. Trong khi đó, mục tiêu đầu tư của khu vực DNNVV chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng đã phải điều chỉnh so với kế hoạch, do sự đuối sức của khối DN này.
Cuối cùng là chỉ tiêu việc làm. Theo mục tiêu đề ra, giai đoạn 2011-2015, DNNVV tạo thêm khoảng 3,5-4 triệu chỗ làm việc mới. Song theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011-2014 khu vực này chỉ tăng thêm gần 1 triệu việc làm. Mặc dù đây vẫn là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất cho nền kinh tế với khoảng 5,3 triệu việc làm tính đến cuối năm 2014, song rõ ràng tốc độ tạo việc làm chưa được như kỳ vọng.
Độc lập hay liên kết?
Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tình trạng còn đáng lo ngại hơn. Đó là tuy cả khu vực kinh tế tư nhân trong nước tạo ra khoảng gần 50% GDP trong giai đoạn vừa qua, song khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới hơn 30%. Điều này càng cho thấy sự manh mún của khu vực tư nhân.
Hiện nay trong số các DN tư nhân đang hoạt động có tới 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ, tính phi chính thức lớn, kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ khác như quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các DN tư nhân trong nước.
Trước thực trạng khối DN FDI ngày càng lớn và có phần lấn át cả DN trong nước, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đặt vấn đề, hỗ trợ DNNVV đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo ông Đông, cần phải nhìn nhận tổng thể rằng hỗ trợ DNNVV cũng chính là nâng cao nội lực nền kinh tế. Vấn đề là các chính sách thời gian qua đã có nhiều, song do quá lan man nên đều kém hiệu quả. Ông Đông cho rằng chính vì sự xác định chưa rõ ràng mục tiêu chính sách, nên nhiều năm nay chúng ta loay hoay với một số chính sách hỗ trợ DNNVV mà hiệu quả hầu như không được bao nhiêu.
Ông Đông cũng đặt vấn đề, hiện nay đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau về đường hướng phát triển DNNVV. Theo đó, có ý kiến cho rằng nên tập trung hỗ trợ cho khối này “nối gót” DN FDI, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên cũng có quan điểm cần phát triển các DN của riêng Việt Nam, tập trung sản xuất các sản phẩm giải quyết nhu cầu trong nước, thay vì quá trông chờ vào DN FDI. Đây là bài toán rất cấp bách cần nhanh chóng giải quyết để kịp thời thiết kế các chính sách phù hợp, trước khi nội lực nền kinh tế ngày càng đuối sức.