Đằng sau căng thẳng giữa Nhật Bản – Hàn Quốc và bài toán mới cho Việt Nam
So với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tác động của căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lên Việt Nam sẽ nhanh và trực tiếp hơn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.
Thế giới đang chứng kiến sự manh nha của một cuộc chiến tranh thương mại mới, trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung còn diễn biến khá phức tạp. Căng thẳng thương mại lần này diễn ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh được cho là thân cận nhất của Mỹ ở khu vực châu Á.
Quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xấu đi kể từ đầu tháng 7 khi Tokyo áp đặt các hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao - rất quan trọng đối với sản xuất chất bán dẫn, màn hình LED và điện thoại thông minh - sang Hàn Quốc. Nhật Bản cũng đang xem xét đưa Hàn Quốc ra khỏi các danh sách các quốc gia được coi là có hệ thống kiểm soát xuất khẩu đáng tin cậy.
Seoul đã phản ứng lại bằng cách yêu cầu Tokyo loại bỏ các hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này đã bị từ chối. Hàn Quốc hôm 14/7 cho biết có khả năng sẽ nêu vấn đề này tại cuộc họp của Đại hội đồng của WTO vào ngày 23 – 24/7.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản – Hàn Quốc đang manh nha ở bước đầu tiên.
Nhưng khác với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, lý do dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc – được hai nước chính thức thông tin với thế giới - có vẻ không liên quan trực tiếp đến thương mại.
"Họ nhắc đến câu chuyện người dân Hàn Quốc từng bị phía Nhật Bản cưỡng ép lao động trước và trong Thế chiến thứ II. Nguyên nhân này không "liên quan trực tiếp" đến thương mại, khác hẳn với cuộc chiến mà Mỹ phát động dựa trên lý lẽ về sự không công bằng, thâm hụt thương mại, hay mất việc làm mà Trung Quốc là nguyên nhân", ông Dương nói.
Từ cuối năm 2018, Toà án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi trả một khoản tiền bồi thường cho vấn đề này. Quyết định này cũng tương tự phán quyết trước đó vài tuần đối với Nippon Steel & Sumitomo Metal. Sau khi hai công ty này từ chối bồi thường, tòa án Hàn Quốc đã cho phép thu hồi tài sản của các tập đoàn thép này trên địa phận Hàn Quốc để thực hiện các phán quyết. Cần lưu ý, không ít công ty Nhật Bản khác có thể cũng phải đối mặt với những phán quyết tương tự.
Đáp trả các hành động này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc, dựa trên cơ sở an ninh quốc gia đối với các mặt hàng công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, nguyên nhân xuất phát từ lịch sử - thậm chí có tính biểu tượng đối với các chính trị gia – có thể ảnh hưởng đến diễn biến sắp tới của căng thẳng thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc.
"Với nguyên nhân ấy và đặt trong văn hoá – lịch sử Á Đông, Nhật Bản và Hàn Quốc khó xuống thang để sớm hạ nhiệt căng thẳng thương mại", ông nói và bày tỏ lo ngại căng thẳng gia tăng giữa hai nước là điều có khả năng xảy ra.
Ở chiều ngược lại, các nền kinh tế ở khu vực cũng có thể lạc quan khi lãnh đạo của Nhật Bản hay Hàn Quốc đều có sự giống nhau về tính thực dụng trong phương thức điều hành.
"Thực dụng theo nghĩa họ sẽ đặt lợi ích về kinh tế lên trên", ông Dương nói. Thực tế, hai quốc gia này đã rất tích cực trong việc thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ tháo "ngòi nổ" chiến tranh. Góc nhìn thực dụng và lợi ích của các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ đòi hỏi Nhật Bản và Hàn Quốc phải tìm kiếm những cách khôn ngoan – ngoài căng thẳng thương mại - để giải quyết bất đồng.
So với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng giữa Nhật Bản – Hàn Quốc sẽ tác động đến Việt Nam nhanh và trực tiếp hơn.
"Xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn ra một thời gian, qua nhiều kênh khác nhau thì chúng ta mới ít nhiều cảm nhận được một số tác động như về đầu tư, xuất nhập khẩu. Nhưng ngay cả những tác động này cũng khó được nhìn nhận trực tiếp và đầy đủ, do khó tách biệt với tác động của việc Việt Nam thực hiện CPTPP và cải thiện môi trường kinh doanh. Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khác hẳn, thể hiện ở tác động nhanh và trực tiếp hơn", ông Dương lưu ý.
Nguyên nhân cả hai nền kinh tế này đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua, có sự gắn bó chặt chẽ. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, luỹ kế đến tháng 6/2019, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt giữ vị trí thứ nhất và thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 64,5 tỷ USD và 57,9 tỷ USD.
Mặt khác, ngay cả khi không đề cập đến căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có leo thang thành chiến tranh thương mại diện rộng, với phạm vi những mặt hàng công nghệ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Hàn Quốc, thì Việt Nam ngay lập tức có thể cảm nhận được "sức nóng".
Lệnh hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản được xem là "cú đấm" mạnh vào các công ty công nghệ Hàn Quốc mà Samsung hay SK Group là ví dụ tiêu biểu. Samsung hiện đang là nhà sản xuất chip DRAM số 1 thế giới, chiếm hơn 40% thị trường trị giá gần 100 tỷ USD. Tập đoàn này cũng sản xuất ra chip flash NAND số 1 với thị phần chiếm đến 35% toàn cầu. Còn SK lại là nhà sản xuất DRAM thứ 2 thế giới với 31% thị phần. Samsung hay LG cũng là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực màn hình LCD và LED.
Lệnh hạn chế nói trên khiến cho chuỗi giá trị của một loạt mặt hàng về điện tử, linh kiện của Hàn Quốc trên toàn thế giới. Theo đó, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng không nhỏ.
"Nếu không tiếp cận hoặc dự trữ đủ linh kiện đầu vào, các nhà máy của Hàn Quốc như Samsung, LG,… khó có thể đáp ứng đủ các đơn hàng xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, điện thoại. Tác động đến Việt Nam sẽ ngay lập tức thông qua các con số về xuất nhập khẩu", ông Dương nhấn mạnh và cho biết trong tương lai gần, rủi ro về nguồn cung sẽ được thêm vào danh sách các lý do dẫn tới suy giảm xuất khẩu, đặc biệt là ở các nhóm hàng điện tử, điện thoại,…
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện gần 23,5 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện khoảng 15,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng Việt Nam cũng nhập khẩu tới 8,6 tỷ USD hàng điện thoại và linh kiện, và gần 2,0 tỷ USD máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Hàn Quốc. Đó là chưa kể nhập khẩu từ các doanh nghiệp Hàn Quốc và mạng lưới nhà cung ứng của họ ở các nước thứ ba khác.
Cũng theo ông Dương, việc chúng ta muốn chen chân vào các chuỗi sản xuất cũng bị ảnh hưởng khi các doanh nghiệp lớn trong chuỗi phát sinh bất đồng có "tính dân tộc".
Trước tình hình căng thẳng giữa Nhật Bản – Hàn Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam cần cẩn trọng theo dõi, đánh giá tình hình, ông Dương nói.
Bên cạnh đó, với góc nhìn là đối tác quan trọng, muốn học hỏi từ doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam có thể cân nhắc đối thoại trực tiếp hoặc thông qua cộng đồng doanh nghiệp để góp phần tháo gỡ, giảm bớt những bất đồng hai bên.
"Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nhiều diễn biến phức tạp, thì bất cứ động thái căng thẳng mới giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đều ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường tự do thương mại toàn cầu", ông Dương nhận định.
Việt Nam, theo ông Dương, có thể tham gia tích cực hơn vào hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nước này. "Hoàn toàn có cơ sở để làm điều này. Bên cạnh quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư tích cực và bền chặt với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta đang chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam không cần chờ đến năm 2020, mà có thể bắt tay ngay vào chuẩn bị, vận động cho tiến trình hội nhập ở khu vực. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nhìn nhận tác động đối với kinh tế Việt Nam – từ những căng thẳng thương mại ở khu vực – có thể diễn ra nhanh và trực tiếp", ông Nguyễn Anh Dương phân tích.