Đánh giá của các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam


(Tài chính) Trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế, định chế tài chính và các hãng truyền thông nước ngoài đã có những Báo cáo, bài viết, tin liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

- Ngân hàng thế giới (World Bank): tại Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam tháng 7/2014, WB cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện khi lạm phát giảm, tài khoản đối ngoại cải thiện và thị trường ngoại hối ổn định. Tăng trưởng GDP năm 2014 dự báo ở mức khoảng 5,4%, do có sự hỗ trợ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo vẫn mạnh.

Tuy nhiên, WB cũng cho rằng để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu – tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.

- Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): Tại Báo cáo tổng quan về kinh tế Việt Nam tháng 6, ADB cho rằng những nhân tố tích cực hỗ trợ tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2014 là lãi suất thấp nhằm mở rộng tín dụng, lạm phát thấp. Sang năm 2015, nhân tố hỗ trợ tăng trưởng là ngành công nghiệp nặng, thị trường tài sản nội địa và tiêu dùng của hộ gia đình tăng cao. ADB công bố dự báo tăng trưởng Việt nam năm 2014 là 5,5-5,6%, năm 2015 là 5,7-5,8%. Tuy nhiên, ADB cũng quan ngại tranh chấp chủ quyền biển đảo với TQ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

- Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): Báo cáo IMF đưa ra tháng 1/2014, chỉ ra, ổn định vĩ mô có được do kế thừa kết quả ổn định của Chính phủ năm 2012 và 2013. Năm 2014, lạm phát thấp được đánh đổi bằng tỉ lệ tăng trưởng ở mức vừa phải. IMF cho rằng tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam sẽ đạt 5,6%, tăng nhẹ so với mức 5,5% năm 2014.

- Economic & Political Intelligence Centre, Canada: Báo cáo Tổng quan nền kinh tế Việt Nam tháng 8/2014 chỉ ra quan ngại sâu sắc về mô hình tăng trưởng trong quá khứ của VN dựa trên lạm phát cao, phá giá tiền tệ và tín dụng. Tăng trưởng dựa trên tín dụng tràn lan gây ra hệ quả là nợ xấu tăng cao, gây ra mất cân bằng vĩ mô đầu năm 2011-2012. Mặc dù vậy, nền kinh tế đang chỉ ra các dấu hiệu hồi phục nhờ xuất khẩu và FDI, tăng trưởng trung và dài hạn phụ thuộc và khả năng cân bằng của cải cách và lợi ích cố hữu.

- Ngân hàng HSBC: Tháng 10/2014, HSBC Bank đã ra báo cáo về nền kinh tế Việt Nam cho rằng nền kinh tế Việt nam sẽ tăng trưởng tích cực năm 2014 dựa trên xuất khẩu và lạm phát thấp. Ngoài ra, các yếu tố khác là chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng liên tiếp và có xu hướng tăng về cuối năm. Báo cáo cũng chỉ ra, FTA và TPP sẽ là những yếu tố hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng của Việt nam năm 2015.

Nhìn chung các nhận định của các tổ chức quốc tế trên là sát thực với tình hình kinh tế của Việt Nam. Báo cáo của ADB, mặc dù dự báo tỉ lệ tăng trưởng thấp hơn ước tính và mục tiêu của Việt Nam nhưng những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng được chỉ ra phù hợp với thực tế Việt nam. Năm 2014, Chính phủ vẫn tiếp tục điều hành nền kinh tế theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý và nhận định của IMF lạm phát thấp được đánh đổi bằng tỷ lệ tăng trưởng ở mức vừa phải cũng phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. HSBC thường công bố báo cáo về tình hình kinh tế Việt nam trong nhiều năm, dựa trên nhận định viễn cảnh tích cực về kinh tế Việt nam, HSBC đã có nhiều chi nhánh và có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.