Đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường giai đoạn 2004-2014
Theo quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị, Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ, trong giai đoạn 2004-2014 thực hiện: (i) Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giao cho Ban quản lý rừng quản lý và đất các nông, lâm trường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ công ích, không thực hiện kinh doanh; (ii) Cho thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất nông, lâm nghiệp giao cho các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.
Theo Báo cáo số 314/BC-CP ngày 25/6/2015 của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014, tính đến ngày 31/6/2012, các nông trường, lâm trường, ban quản lý rừng và khu bảo tồn, vườn quốc gia quản lý 7.996.467 ha (trong đó 7.599.580 ha đã được Nhà nước giao cho 642 nông, lâm trường quản lý, sử dụng). Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện của các nông, lâm trường được Nhà nước giao quản lý, sử dụng như sau:
Có 5.143.653 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất các nông, lâm trường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ công ích, không thực hiện sản xuất kinh doanh được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 giao cho 284 ban quản lý, vườn quốc gia, khu bảo tồn. Quy định của pháp luật và thực tế không thu nộp nghĩa vụ tài chính về đất đối với phần diện tích này là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Có 472.709 ha chuyển sang hình thức thuê đất giao cho 112 nông, lâm trường; 2.029 ha chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất giao cho 04 nông, lâm trường, diện tích này đóng góp chủ yếu số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các nông, lâm trường trong giai đoạn 2004-2014. Tuy nhiên, trong thực tế, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp là lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư, phần lớn các nông, lâm trường đóng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn do vậy chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các nông, lâm trường quốc doanh bên cạnh việc đảm bảo ý nghĩa về hiệu quả sử dụng đất thì cũng có ý nghĩa về quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại các địa bàn có nông, lâm trường. Ngoài ra, một số nông, lâm trường sau khi được sắp xếp, chuyển sang thuê đất và có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005, Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ thì được miễn tiền thuê đất một số năm, mức miễn tùy theo địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư (từ 7 năm đến 15 năm), vì vậy những trường hợp này không phát sinh nghĩa vụ tài chính về đất trong thời gian được hưởng chính sách ưu đãi.
Trong giai đoạn 2004-2014, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 48 Cục Thuế địa phương về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các nông, lâm trường (trong đó có 42 địa phương có số liệu về số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; 06 địa phương không có số liệu (chưa phát sinh hồ sơ thu nộp nghĩa vụ tài chính về đất của các nông, lâm trường)) thì tổng số tiền thu nộp nghĩa vụ tài chính về đất đai của các nông, lâm trường khoảng 1.927,9 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là 47,46 tỷ đồng (số tiền đã nộp khoảng 27,31 tỷ đồng, số tiền sử dụng đất còn nợ khoảng 20,21 tỷ đồng) và tổng số tiền thuê đất mà các nông, lâm trường phải nộp khoảng 1.880,5 tỷ đồng (tiền thuê đất đã nộp khoảng 1.694,7 tỷ đồng và số tiền thuê đất còn nợ khoảng 219,4 tỷ đồng). Số liệu thu nộp nghĩa vụ tài chính của các nông, lâm trường nêu trên là đúng quy định của pháp luật, phản ánh đúng thực tế tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh trong giai đoạn 2004-2014.
Có 1.981.189 ha giao cho 242 nông, lâm trường quản lý thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 nhưng các nông, lâm trường chưa làm các thủ tục liên quan để được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.
Mặt khác, khi chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất (bao cấp về đất đai) sang thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003, theo phản ánh thì các nông, lâm trường gặp khó khăn do diện tích rừng, cây trồng chưa đến thời gian được khai thác, thu hoạch trong khi nguồn vốn của các nông, lâm trường thì hạn hẹp dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với nhà nước. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí các nông, lâm trường sau khi được chuyển đổi chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ rà soát đất đai, đo đạc cắm mốc giới, lập hồ sơ địa chính để chuyển sang thuê đất theo quy định; đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ ở nhiều nông, lâm trường còn hạn chế, vẫn còn mang tư tưởng bao cấp, chờ ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước nên ngại làm thủ tục chuyển sang thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất để tránh việc phải kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với nhà nước.
Như vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh thì vấn đề quan trọng là quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng pháp luật đối với diện tích 5.143.653 ha (đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất các nông, lâm trường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ công ích) giao đất không thu tiền sử dụng đất của các ban quản lý, vườn quốc gia, khu bảo tồn quản lý; thực hiện cho thuê đất đối với diện tích 1.981.189 ha thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định nhưng chưa thực hiện; chỉ đạo việc thu nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đúng theo quy định đối với diện tích sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đã chuyển sang thuê đất (472.709 ha), giao đất có thu tiền sử dụng đất (2.029 ha), trên cơ sở đó tạo ra sự công bằng giữa các thành phần kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng từ việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho các hộ đồng bào người dân tộc ở địa bàn nơi có các nông, lâm trường.
Bên cạnh đó, để đánh giá được đầy đủ, khách quan, hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường giai đoạn 2004-2014 thì cần thiết phải rà soát, xác định, cắm mốc giới và đo đạc ranh giới, trên cơ sở đó tách các phần diện tích đất phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (diện tích sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh), diện tích đất giao không thu tiền sử dụng đất (diện tích đất rừng phòng hộ, đất sử dụng để thực hiện nhiệm vụ công ích, không phục vụ kinh doanh) để làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định./.