Đánh giá kỹ lưỡng về phạm vi áp dụng việc giảm thuế giá trị gia tăng


Tán thành việc cần tiếp tục bàn hành chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) song các đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng theo tình hình thực tế hiện nay để quy định về phạm vi áp dụng chính sách cho phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Kéo dài thời gian, mở rộng phạm vi áp dụng

Như tin đã đưa, chiều 20/11, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. 

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội thống nhất, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT là rất cần thiết để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành một cách rất quyết liệt, căn cơ, đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, giúp đời sống của người dân trở lại tương đối bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

“Với giải pháp về việc giảm thuế GTGT cùng với các cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác sẽ tạo điều kiện rất lớn nhằm giúp các doanh nghiệp giảm một phần chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định phát triển kinh tế về lâu dài” - đại biểu nhấn mạnh.

Quan tâm đến phạm vi áp dụng chính sách, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phân tích, Dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi áp dụng tương tự như Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, bối cảnh ban hành Nghị quyết 43 là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Vì vậy, Nghị quyết 43 chỉ giảm thuế GTGT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế GTGT 10%.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết 43 cũng đang rất khó khăn như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... Do đó, đại biểu đề nghị, đánh giá kỹ lưỡng theo tình hình thực tế hiện nay để quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cũng đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức giảm thuế GTGT cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau.

Đại biểu phân tích, có những doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực nên việc phân biệt về giảm thuế GTGT vừa gây khó khăn cho công tác hạch toán, vừa tạo sự phức tạp cho quản lý doanh nghiệp, cả quản lý yếu tố đầu vào, đầu ra của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc giảm thuế GTGT cho cả năm 2024 để tạo nền tảng vững chắc hơn cho phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây.

Giảm áp lực ngân sách

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị, việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng.

Theo đại biểu, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023. Cần đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để bảo đảm chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất, vừa không ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước nói chung và thu ngân sách của các địa phương nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VPQH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VPQH

Giải trình làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT như để xuất của Chính phủ nhằm đảm bảo nhất quán trong chính sách, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách.

“Nếu giảm tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thì 6 tháng đầu năm 2024 giảm thu ngân sách khoảng 37,1 nghìn tỷ đồng, còn nếu chỉ có hàng hóa, dịch vụ như đối tượng Chính phủ đã trình thì giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng” - Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, việc giảm thuế GTGT chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP. Việc áp dụng biện pháp giảm thuế nhằm mục đích kích cầu chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Để tăng trưởng kinh tế thì vấn đề là thủ tục đầu tư, tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, vấn đề thị trường, vốn, quản trị, ứng dụng công nghệ khoa học, tăng năng suất lao động…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích thêm, thuế GTGT là thuế gián thu, doanh nghiệp là người nộp thuế nhưng người chịu thuế là người tiêu dùng. Vì vậy, khi giảm thuế, giá trị hàng hóa giảm xuống thì kích thích người dân mua hàng hóa, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp song sẽ tác động đè nặng lên ngân sách. Vì vậy, chính sách giảm thuế chỉ áp dụng trong ngắn hạn.

Theo Báo Kiểm toán