Đánh giá tác động của áp chế tới thị trường tài chính
Những áp chế tài chính của chính phủ được biết đến như là những quy định, luật lệ và các hạn chế khác của thị trường mà nền kinh tế phải tuân theo. Với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, liệu những áp chế tài chính này có còn phát huy được những vai trò của nó như mong muốn hay đang kiềm chế sự phát triển của thị trường tài chính?
Cơ sở lý thuyết và thực nghiệm ở một số nước
Áp đặt trần lãi suất đối với nguồn vốn huy động. Đây là cách thức mà nhiều chính phủ đã áp dụng từ những năm ba mươi. Biện pháp này đảm bảo cho sự tăng trưởng ổn định của hệ thống ngân hàng thông qua việc giảm bớt sự cạnh tranh. Hơn nữa, một khi các ngân hàng không chịu áp lực từ chi phí phải trả trên nguồn vốn huy động thì cũng sẽ giảm những khoản cho vay có rủi ro cao, từ đó giảm rủi ro cho ngân hàng.
Việc đặt ra trần lãi suất huy động cũng giống như một sự kiểm soát về giá và nó đem lại cho ngân hàng một mức “tô kinh tế” nhất định do sự không hoàn hảo của thị trường. Khoản tô này không chỉ làm giảm tỷ suất sinh lợi thực tế của những người tiết kiệm nhận được mà còn làm giảm các khoản cho vay hiện tại, vì vậy có thể làm tăng lãi suất cho vay đối với cá nhân vay nợ.
Hơn nữa, một khi lạm phát cao sẽ dẫn đến lãi suất thực tế nhận được thấp và có thể âm làm giảm mong muốn tiết kiệm trong công chúng. Viridis (1993) nghiên cứu ảnh hưởng của trần lãi suất đến đầu tư của khu vực tư nhân ở Hy Lạp từ năm 1960 - 1985 đã cho thấy rằng: Lãi suất cho vay và mức độ đầu tư của khu vực tư nhân có mối quan hệ nghịch chiều. Điều này giúp ông kết luận việc áp đặt trần lãi suất làm hạn chế tín dụng và có tác động tiêu cực lên đầu tư. Như vậy, phương pháp này đã góp phần kìm hãm sự phát triển tài chính ở quốc gia này.
Ngân hàng Trung ương yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng. Thông thường, chính phủ sử dụng phương pháp này nhằm đảm bảo an toàn khi xảy ra khủng hoảng tài chính, vì nếu khủng hoảng tài chính xảy ra thường kéo theo việc rút tiền ồ ạt và để giảm chi phí các khoản nợ cho chính phủ.
Chẳng hạn, tháng 10/2008, trong nội dung của một báo cáo của giám đốc Ngân hàng Trung ương Brazil nêu rằng, đất nước này đang áp dụng dự trữ bắt buộc ở mức độ cao để đảm bảo cho các ngân hàng có sự an toàn nhất định về tính thanh khoản và khoản tiền bắt buộc gửi ở ngân hàng Trung ương. Việc ban bố mức độ dự trữ cao của Brazil xuất hiện từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008 và 2009, khi đó, yêu cầu dự trữ bắt buộc được xem như là một nhân tố quan trọng để kiểm soát rủi ro về tính thanh khoản.
Tuy nhiên, việc áp dụng mức dự trữ bắt buộc cao cũng có mặt trái của nó. Một khi khoản dự trữ này quá lớn sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến thị trường tài chính.
Phương thức này được xem như là khoản thuế “chìm” mà các ngân hàng buộc phải gánh chịu buộc các ngân hàng hạn chế cho vay và đầu tư vào các tài sản khác, lúc này các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng và/hoặc trả cho những người gửi tiết kiệm một mức lãi suất thấp hơn để bù đắp lại chi phí cho việc nắm giữ nguồn dự trữ không có lãi suất hoặc lãi suất rất thấp ở ngân hàng trung ương.
Cùng với đó là nguồn quỹ dành cho đầu tư của thị trường tài chính cũng sẽ giảm bởi yêu cầu về mức dự trữ cao. Nói cách khác, nguồn vốn sẵn có bị chuyển khỏi những đối tượng đi vay tiềm năng và chính phủ xem hệ thống ngân hàng trở thành một nguồn tài trợ, ưu tiên cho những đối tượng vay khác, từ đó, hạn chế sự phát triển tự do của thị trường tài chính ở các quốc gia.
Chính phủ kiểm soát tín dụng ở các ngân hàng bằng cách chuyển các nguồn vốn ở các ngân hàng này cho những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc những doanh nghiệp được ưu tiên. Cách thức này mang lại lợi ích cho chính phủ từ việc sử dụng các quỹ tiết kiệm của người dân để tài trợ cho những thiếu hụt trong ngân sách và các dự án đầu tư.
Kết quả là chính phủ bắt buộc các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các ngành được xem là quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của đất nước, trong khi các ngành khác đáng được cho vay lại không hỗ trợ vốn kịp thời. Đây là phương pháp được xem là một lựa chọn tốt hơn so với việc sử dụng quá trình cân đối ngân sách nhà nước. Ngoài ra, khi chính phủ thực hiện phân bổ tín dụng trực tiếp không chỉ củng cố sức mạnh của các cơ quan chính phủ mà còn trở thành nguồn chi ngân sách ngầm.
Chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát hoạt động của các ngân hàng. Bằng cách này, chính phủ có thể can thiệp vào các nghiệp vụ quản lý và hoạt động của ngân hàng, tạo ra một nguồn quỹ có sẵn với chi phí thấp cho các doanh nghiệp nhà nước bởi vì các doanh nghiệp này ít chịu sự cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Điều dĩ nhiên là với chính sách tín dụng như vậy sẽ dẫn đến việc phân bố nguồn vốn kém hiệu quả và sự thất bại của hệ thống các định chế tài chính trung gian là điều không thể tránh khỏi. Nghiên cứu của La Porta và các cộng sự (2002) cho rằng: “Sở hữu của nhà nước và khi các điều kiện khác không đổi thì sự phân phối các nguồn lực mang mục đích chính trị sẽ làm chậm lại sự phát triển về tài chính”. Bằng việc nghiên cứu số liệu từ năm 1960 đến 1995, La porta cũng chứng minh việc gia tăng mức độ sở hữu của nhà nước đối với ngân hàng sẽ làm giảm sự phát triển tài chính ở thời kỳ tiếp theo với các điều kiện khác không đổi…
Gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước muốn tham gia vào ngành Tài chính và các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh ở nước mình hoặc mua lại các định chế tài chính trong nước. Cách thức này không chỉ làm giảm sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính mà còn ngăn cản sự phát triển của thị trường chứng khoán. Các nghiên cứu của Cooray (2011) kết luận: Sự can thiệp của chính phủ càng tăng càng làm giảm sự cạnh tranh dẫn đến làm giảm hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính. Vì vậy, những chi phí này làm hạn chế sử dụng nguồn tài trợ từ thị trường chứng khoán.
Các biện pháp kiểm soát dòng vốn của chính phủ. Đối với các thị trường tài chính mới nổi, nơi mà có rất nhiều các cơ hội đầu tư, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế sẽ có lợi thế giảm được chi phí tài chính. Bởi vậy, nghiên cứu của Lipschitz và các cộng sự (2002) ở các quốc gia đang chuyển đổi ở Đông và Trung Âu (CEE) cho rằng việc kiểm soát vốn có thể làm sai lệch sự phân bổ các nguồn lực liên thời gian và có thể được sử dụng như là một lời biện giải cho việc nới lỏng sự trừng phạt liên quan đến kinh tế vĩ mô.
Mặc khác, nghiên cứu cũng cho rằng những hạn chế về dòng vốn có thể cung cấp sự đảm bảo tạm thời cho các nền kinh tế mới nổi trước các dòng vốn khó kiểm soát như các khoản vay liên ngân hàng và các danh mục đầu tư. Điều này có nghĩa là mặc dù việc kiểm soát dòng vốn có thể làm suy yếu sự phát triển thị trường tài chính nhưng phương pháp này cũng là cách thức để bảo vệ thị trường tài chính mới nổi trước các mặt trái tiềm tàng như sự tăng trưởng quá nhanh không bền vững và sự sụp đổ của tỷ giá hối đoái.
Bên cạnh đó, Siong (2009) đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa dòng vốn và sự phát triển về mặt tài chính ở các quốc gia đang phát triển. Nói cách khác, ông cho rằng sự phát triển của thị trường tài chính bị ảnh hưởng một cách tích cực bởi việc nới lỏng các tài khoản về vốn và thương mại.
Trên thực tế, đã có khá nhiều nghiên cứu thực nghiệm ở các quốc gia xem xét tác động của những áp chế này lên sự phát triển của thị trường tài chính trong nước. Mặc dù các biện pháp này mang lại lợi ích cho chính phủ nhưng chúng cũng gây thiệt hại đến khu vực tư nhân và làm cho sự phân bổ các nguồn lực trở nên kém hiệu quả.
Do đó, việc sử dụng linh hoạt, thay đổi hay nới lỏng các công cụ này trong điều kiện mới của thị trường là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tài chính phát huy hết vai trò và hiệu quả của nó.