Đánh giá việc thực hiện quy định về quản lý, thanh, quyết toán dự án đầu tư công
Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá việc triển khai thực hiện quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán.
Văn bản nêu rõ, ngày 11/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung trên tinh thần phân cấp quản lý. Đồng thời, tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5/2/2024 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương "tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công".
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, để chủ động rà soát cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát vướng mắc nếu có và đề xuất các giải pháp xử lý tập trung vào phạm vi, đối tượng, trình tự, thủ tục về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; trách nhiệm các bên liên quan.
Bên cạnh đó, đánh giá về hồ sơ, biểu mẫu kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công của dự án bao gồm: hồ sơ pháp lý, hồ sơ tạm ứng vốn và hồ sơ thanh toán. Nguồn vốn này bao gồm cả vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước; vốn đầu tư công đặc thù sử dụng vốn ngân sách nhà nước; vốn đầu tư công trong dự án PPP; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
Các bộ, ngành, địa phương cũng rà soát, đánh giá quy định về quản lý tạm ứng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm các nội dung như: nguyên tắc tạm ứng vốn; bảo lãnh tạm ứng; mức vốn tạm ứng; thu hồi tạm ứng; trách nhiệm kiểm tra, đánh giá thực hiện và thu hồi tạm ứng vốn. Đồng thời, đề xuất các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân để phát sinh số tạm ứng quá hạn và không có khả năng thu hồi (nếu có).
Cùng với các nội dung trên, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá quy định về trách nhiệm, quy trình lập, xét duyệt và gửi báo cáo quyết toán theo niên độ ngân sách. Từ đó, đề xuất các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân chậm báo cáo quyết toán niên độ ngân sách và đề xuất sửa biểu mẫu báo cáo quyết toán.
Nội dung cần tập trung rà soát còn bao gồm: trách nhiệm trong việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành; đề xuất các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân chậm lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành; đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi cho công tác quản lý kế hoạch vốn (báo cáo, theo dõi, đôn đốc), kiểm soát thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá các nội dung còn chồng chéo với các văn bản hướng dẫn khác cần phải sửa đổi, bổ sung (nếu có) và đề xuất hướng xử lý để phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó là quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán đối với dự án đầu tư công tại nước ngoài của các cơ quan đại diện, dự án ngành an ninh, quốc phòng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đánh giá trên cơ sở các nội dung cụ thể nêu trên, tổng hợp gửi Bộ Tài chính trước ngày 30/4/2024 để Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành.