Ưu tiên bổ sung vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm quốc gia
Một số dự án có khả năng giải ngân đang được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công thấp hơn so với nhu cầu vốn là một trong những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia. Do đó, cần ưu tiên bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án này để đảm bảo nhu cầu triển khai dự án.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân
Theo Bộ Tài chính, tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ bình quân chung tháng 02/2024 của cả nước.
Đến hết ngày 29/02/2024, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải là 7.332,89 tỷ đồng, đạt 8,3% kế hoạch năm 2024 được giao (88.032,23 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 6.459,2 tỷ đồng, đạt 10,4%; vốn ngân sách địa phương là 879,97 tỷ đồng, đạt 8,4%.
Tỷ lệ giải ngân đạt thấp của các dự án quan trọng quốc gia có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến vướng mắc về kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 bố trí thực hiện dự án. Theo đó, một số dự án có khả năng giải ngân đang được bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương thấp hơn so với nhu cầu vốn để thực hiện.
Hiện nay, một số bộ, địa phương đang đề xuất bổ sung kế hoạch vốn. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 cho 04 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 06 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với số tiền là 5.839,187 tỷ đồng. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị bổ sung kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 bố trí cho Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là 660 tỷ đồng, trong đó từ nguồn tăng thu 2021 là 487 tỷ đồng và từ nguồn kế hoạch trung hạn là 173 tỷ đồng.
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thi công dự án cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, hiện nay tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; dự án Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án Khánh Hòa Buôn - Ma Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng chưa hoàn thành.
Liên quan đến vật liệu xây dựng cho thi công, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá… đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng thông thường cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đảm bảo nhu cầu vốn triển khai dự án
Thông tin về nhu cầu vốn bổ sung cho dự án quan trọng quốc gia, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về nội dung này.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải cam kết sẽ quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết toàn bộ kế hoạch vốn bổ sung 5.839,187 tỷ đồng cho 10 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông như đề xuất.
Đối với nguồn vốn 660 tỷ đồng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bổ sung, tại đợt kiểm tra tiến độ Dự án dịp Tết Giáp Thìn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý sẽ cân đối bổ sung kế hoạch năm 2024 cho Dự án từ nguồn điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác không có nhu cầu hoặc nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức, hiện nay, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cao hơn nhiều so với khả năng cân đối nguồn vốn. Vì vậy, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bổ sung kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong phương án xử lý kế hoạch năm 2024 để đảm bảo nhu cầu vốn triển khai thực hiện dự án.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải và địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân. Đối với nguồn vật liệu cho thi công, các địa phương cần khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.