Đánh thức tiềm lực, tạo bứt phá cho Tây Bắc
(Tài chính) Với mong muốn đánh thức tiềm lực, tạo bứt phá cho Tây Bắc , hôm nay tại Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với một số bộ ngành tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội khu vực Tây Bắc 2015. Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị….
Xin ông có thể nêu vài nét về vị trí cũng như vai trò của Tây Bắc đối với sự phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội nước ta?
Tây Bắc vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao (ở mức 18,2% năm 2014). Hầu hết các địa phương trong vùng chưa tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh còn hạn chế.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Vùng Tây Bắc - phạm vi theo dõi của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Chiếm 1/3 diện tích cả nước với trên 10 triệu dân, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam.
Ngoài ra, Tây Bắc có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời; là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến.
Thưa ông, với các điều kiện đó, những thuận lợi và hạn chế đặt ra dành cho sự phát triển kinh tế vùng Tây Bắc là gì?
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế, chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, trong những năm quaTây Bắc được nhà nước ưu tiên thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, viễn thông…
Tuy nhiên, những kết quả trong phát triển kinh tế của vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu đặt ra. Tây Bắc vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao (ở mức 18,2% năm 2014). Hầu hết các địa phương trong vùng chưa tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh còn hạn chế.
Theo ông, ngoài những yếu tố trên thì điều gì trở thành yếu tố tiềm năng để phát triển Tây Bắc?
Tây Bắc được kết nối trực tiếp với thị trường Trung quốc và thị trường Lào thông qua 8 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và trên 40 cửa khẩu phụ. Những tiềm năng to lớn ấy đang chờ đợi các nhà đầu tư đánh thức và chuyển hóa thành những cơ hội kinh doanh cụ thể.
Xin ông cho biết thêm về vấn đề tín dụng và an sinh xã hội góp phần phát triển kinh tế xã hội Vùng Tây Bắc chúng ta đã đạt được những điều gì ?
Tăng trưởng tín dụng của khu vực Tây Bắc những năm gần đây đã có mức tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc đến 31/12/2014 đạt 149.383 tỷ đồng, tăng 16,10% so với 31/12/2013, cao hơn mức tăng chung cả nước (mức tăng chung cả nước 14,16%) và chiếm tỷ trọng khoảng 3,76% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Điều này trở thành một tín hiệu hết sức lạc quan đối với sự phát triển kinh tế vùng.
Bên cạnh đó, hoạt động an sinh xã hội và từ thiện, ngành Ngân hàng cũng dành phần lớn cho các tỉnh Tây Bắc. Trong 5 năm 2008-2012, tổng số tiền các ngân hàng thương mại (NHTM) đã làm từ thiện và an sinh xã hội (ASXH) tại các tỉnh Tây Bắc đã lên tới trên 1.300 tỷ đồng; năm 2013 con số này là 494 tỷ đồng và năm 2014 là 381 tỷ đồng. Năm 2015, tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và An sinh xã hội khu vực Tây Bắc, các NHTM tiếp tục cam kết dành nguồn lực cho công tác ASXH tại các tỉnh Tây Bắc.
Thưa ông, thành tựu kinh tế thu được tại những Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc là gì ? Và ông chờ đợi điều gì tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay ?
Điểm đáng chú ý là tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc năm 2013 tổ chức tại Tuyên Quang, các ngân hàng thương mại đã ký kết 14 hợp đồng tín dụng cam kết tài trợ số vốn vay lên đến 20.116 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 12/2014, các ngân hàng đã bước đầu giải ngân cho vay được một số dự án với số tiền gần 5.000 tỷ đồng, trong đó: Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu lớn nhất được các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank tham gia đồng tài trợ với số tiền cho vay lên đến 14.500 tỷ đồng, số tiền giải ngân theo tiến độ đạt 2.672 tỷ đồng. Một số dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành, đang phát huy hiệu quả và đã bắt đầu trả nợ ngân hàng như dự án Sản xuất Axit phốtphoric trích ly tại tỉnh Lào Cai, dự án Thủy Điện Tà Cọ tại Sơn La...
Còn tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội khu vực Tây Bắc năm nay tổ chức tại Sơn La, ngành Ngân hàng tiếp tục cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tại khu vực Tây Bắc với số tiền cam kết cho vay hơn 4.700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như thủy điện, khai khoáng, công nghiệp chế biến, vận tải, nông sản.
Theo ông, ngoài những điểm đáng mong đợi thu được từ kết quả Hội nghị ra thì Ban chỉ đạo Tây Bắc những giải pháp gì để vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững hoà nhập với sự phát triển chung của kinh tế cả nước ?
Trước hết, chúng ta cần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ chế chính sách đầu tư phù hợp, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư để huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước.
Cùng với đó là khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Vùng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát huy tính liên kết, lựa chọn những ngành, sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh để tập trung phát triển.
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, tất cả các vùng cần áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, trước hết là cho sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp là thế mạnh của vùng. Triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Cuối cùng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, tập trung cho đào tạo lao động, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, có một tỷ lệ cơ cấu dân tộc hợp lý; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện.
Xin cảm ơn ông !