Đảo sắc cuối phiên, VN-Index chưa qua khỏi nền tích lũy

Minh Lâm

Áp lực chốt lời T+ gia tăng trong những phút cuối phiên 30/11 đã khiến cho VN-Index hụt hơi, giảm hơn 8 điểm, xuống dưới ngưỡng cản 1.110 điểm.

Nối tiếp đà tăng điểm phiên trước, VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 30/11 với sắc xanh của hơn 270 mã cổ phiếu giúp cho chỉ số chung tiếp tục giữ được nhịp tích lũy. Tuy không có nhiều cải thiện đáng kể về mặt chỉ số nhưng lực cầu vẫn gia tăng tốt ở nhiều cổ phiếu mid-cap. Trong đó, nhóm cổ phiếu hóa chất và vật liệu xây dựng có được mức tăng nổi trội hơn, lần lượt là 1,5% và 1%.

Trong khi đó, áp lực ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn hiện hữu khi nhiều “ông lớn” như NVL, VHM, MSN, VJC, VIC, FPT, VNM… giảm điểm nhẹ.

Theo thống kê, trong phiên sáng nay, VN-Index ghi nhận thanh khoản mua chủ động ở mức cao, chiếm 77,6% tổng thanh khoản thị trường, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng thị trường tích cực trở lại trong ngắn hạn.

Áp lực chốt lời T+ đè nặng lên thị trường phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11.
Áp lực chốt lời T+ đè nặng lên thị trường phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời T+ dần xuất hiện trở lại trong phiên chiều, tập trung bán nhiều ở nhóm cổ phiếu Bluechip và lan mạnh khắp thị trường vào 5 phút cuối phiên đã khiến cho VN-Index hụt hơi. Kết phiên, VN-Index giảm 8,67 điểm về 1.094,13 điểm, tương đương giảm 0,79%.  

Rổ VN30 đã trở thành “gánh nặng” của thị trường hôm nay, khi để mất gần 11,5 điểm và đóng cửa sát ngưỡng 1.080 điểm với 25 mã giảm, chỉ còn 4 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, TPB, GVR, FPT, VHM tăng nhẹ chưa tới 1%, cùng BCM và CTG đứng giá tham chiếu, ngược lại MSN tạo sức ép lớn nhất khi lấy đi hơn 0,83 điểm của chỉ số chung, đóng cửa giảm 3,8%. Ngoài MSN, các mã cổ phiếu khác tác động tiêu cực đến thị trường còn có VIC (-1,9%), GAS (-1,7%), HPG (-1,7%), VJC (-4,5%)…

Xét về nhóm ngành, Chế biến thủy sản (-2,15%) giảm mạnh nhất, với lực kéo xuống từ VHC giảm 3,4%, ANV và FMC giảm hơn 1%; ASM, IDI, CMX, ACL, ABT cũng đều giảm giá.

Các nhóm chủ chốt của thị trường là Thép (-1,26%), Bất động sản (-0,47%), Ngân hàng (-0,57%), Chứng khoán (-0,71%) đều ở chiều giảm. Nhóm thép giảm chủ yếu do HPG. HSG cũng giảm 1,4% trong khi NKG tăng nhẹ 0,4%.

Tại nhóm bất động sản, tác động tiêu cực nhất đến từ bộ đôi VIC và VRE, cùng với đó là NVL (-2,2%), KDH (-1,1%), DIG (-1,4%), CEO (-1,4%). NLG, VPI, PDR, HDG, DXS, IJC, QCG giảm nhẹ dưới 1%. Chiều tăng có VHM (+0,2%), KBC (+0,3%), TCH (+1,6%), HQC (+4,1%), KHG (+1,6%), SCR (+0,6%)...

Ngân hàng thì chỉ có TPB, LPB, EIB ngược dòng thị trường chung thành công với mức tăng hạn chế chỉ trên dưới 0,5%, còn lại chìm trong sắc đỏ.

Thanh khoản có phần nhích tăng so với phiên trước, tăng 16% về giá trị, đạt 14.670 tỷ đồng với 723 triệu đơn vị cổ phiếu sang tay.

Giao dịch khối ngoại cũng là điểm trừ khi bán ròng xuyên suốt phiên giao dịch với giá trị bán ròng gần 500 tỷ đồng, tập trung bán ròng nhiều ở VNM (-104 tỷ đồng), FUESSVFL (-91 tỷ đồng), MSN (-80 tỷ đồng), HPG (-62 tỷ đồng)...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VHM được mua ròng mạnh nhất với giá trị đạt 86,34 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt hơn 2,1 triệu đơn vị. Tiếp theo là NKG được mua ròng 58,3 tỷ đồng (2,53 triệu đơn vị) và EVF được mua ròng 39,16 tỷ đồng (2,34 triệu đơn vị).

Từ trạng thái phân hóa, thị trường đã chìm trong sắc đỏ với số mã giảm điểm chiếm áp đảo và chỉ số VN-Index để mất toàn bộ thành quả có được trong phiên hôm qua, kết thúc phiên cuối cùng của tháng 11 tại mức giá thấp nhất trong ngày. Tuy nhiên, tính chung trong cả tháng 11/2023, chỉ số này đã hồi phục tăng 65,94 điểm, tương ứng tăng hơn 6,41%, sau khi trải qua tháng 10 ảm đạm vừa qua, với mức giảm lên tới gần 11%.

Về kỹ thuật, Vn-Index tạo mẫu nến giảm điểm, có bóng nền 2 đầu và một lần nữa cắt xuống MA5 và MA20, chưa có dấu hiệu rõ ràng khi vẫn ở trong nền tích lũy.