Đất nền sẽ là sản phẩm được “săn tìm” trong năm 2024
Các chuyên gia nhận định, sản phẩm đất nền đang có xu hướng “ấm lên” khi các chính sách hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành đang “ngấm” dần vào thị trường bất động sản (BĐS). Các chuyên gia cho rằng, đất nền sẽ là sản phẩm được nhà đầu tư “săn tìm” trong năm 2024.
Đất nền được giao dịch nhiều nhất trong quý II/2023
Ghi nhận cho thấy, thị trường đất nền đang có nhiều chuyển biến tích cực nhờ xu hướng hạ lãi suất, chính sách hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ, các nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án và cung cấp nguồn tín dụng cho các chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng vừa công bố, trong số 96.977 sản phẩm giao dịch BĐS thành công trong quý II/2023 có tới 67.525 giao dịch thành công ở phân khúc đất nền.
Con số trên cho thấy, đất nền vẫn là phân khúc được các nhà đầu tư, người mua “săn tìm” nhiều nhất và thực hiện giao dịch chủ yếu trên thị trường BĐS trong thời gian qua.
Bộ Xây dựng cho rằng, đất nền trong dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mua – bán giao dịch nhiều trong thời gian qua chủ yếu mang tính chất đầu cơ trong khi thị trường BĐS trầm lắng. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, buộc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và chủ đầu tư ngưng hỗ trợ lãi suất cho vay, trong khi thị trường có tính thanh khoản giảm mạnh, dẫn đến nhiều giao dịch mang tính bán cắt lỗ ngày càng mạnh.
Về giá bán phân khúc đất nền, Bộ Xây dựng cho hay, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý II/2023 tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý I/2023 và có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực trong thời gian tới.
Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều, đặc biệt là các huyện ven đô và khu vực ngoại thành trong quý như: Quận Hà Đông, huyện Mê Linh, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh); quận Ngũ Hành Sơn (Tp. Đà Nẵng); TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Năm 2024 - thời điểm của thị trường đất nền?
Theo các chuyên gia, sản phẩm đất nền đang có xu hướng “ấm lên” khi các chính sách hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành đang “ngấm” dần vào thị trường BĐS.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hoà nhận định, đầu năm 2024 sẽ là thời điểm của thị trường đất nền. Phân tích cụ thể hơn, lãnh đạo doanh nghiệp này lý giải, việc đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh tại các địa phương đã tác động gián tiếp đến thị trường đất nền.
Ở khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, trong quý III/2023 về cơ bản những vướng mắc pháp lý của thị trường BĐS được tháo gỡ, nhờ đó đã có dấu hiệu về giao dịch trở lại. Hiện tại, mức giá đất nền đã được điều chỉnh sát với giá trị thực sau giai đoạn tăng trưởng nhanh, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư lẫn khách hàng có nhu cầu ở thực.
“Sắp tới lực cầu về cầu nhà ở tiếp tục tăng do kinh tế tăng trưởng ổn định, đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, lực cầu này có thể giảm bởi lãi suất tăng cao, giá nhà cao và thu nhập giảm. Tuy nhiên, lực cầu mới tại các địa phương, khu vực được đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị thì có thể tăng”, ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Nhìn nhận về thị trường BĐS trong thời gian tới trên cơ sở đánh giá tổng thể, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, các chính sách của Chính phủ dự kiến cần thời gian để thị trường thẩm thấu. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư đã dần tích cực và góp phần để đà phục hồi diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.
“Diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu BĐS trở về với giá trị thực. Thị trường BĐS sẽ đảo chiều vào năm 2024 trong điều kiện các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực như hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Phân tích và nhận định tiềm năng của đất nền, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, đất nền tại các khu đô thị cũ của các thành phố lớn giai đoạn 2023-2025 dự báo không có đột biến lớn cả về giá cả và lượng giao dịch, do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các vị trí đắc địa ngày càng ít, giá trị sinh lời thấp.
“Đối với các khu vực lân cận/đô thị vệ tinh của các đô thị lớn hoặc các khu vực có quy hoạch đô thị/quận mới tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dự báo vẫn sẽ có những đợt tăng giá cục bộ về giá và lượng giao dịch, do chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, đất đô thị”, ông Nguyễn Văn Khôi nhận định.