Bộ Tài chính:
Đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách thủ tục hành chính
Bộ Tài chính xác định, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phải đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả của các giải pháp cải cách, từ đó làm cơ sở hoàn thiện về chính sách, quy trình và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực Tài chính.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 134 TTHC; đơn giản hoá 169 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 800 TTHC, giảm 96 TTHC so với cùng kỳ năm 2021 (khoảng 12%).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 359 TTHC, đạt tỷ lệ trên 45%; đã thực hiện tích hợp 296 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Về cải cách, hiện đại hóa TTHC và các dịch vụ thuế, đến nay dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử đã được triển khai tại 100% cục Thuế và chi cục Thuế địa phương...
Bộ Tài chính đánh giá, về cơ bản, các TTHC lĩnh vực tài chính ngày càng được hoàn thiện theo hướng thống nhất, đơn giản, công khai, minh bạch, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và thực hiện TTHC, bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu điện tử về hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC. Bộ Tài chính cũng đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc...
Từ những kết quả đạt được, Bộ Tài chính rút ra một số bài học kinh nghiệm trong triển khai cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số của ngành Tài chính. Theo đó, việc cải cách TTHC phải đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả của các giải pháp cải cách; thường xuyên lấy ý kiến đánh giá, khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về việc giải quyết TTHC và triển khai DVCTT để làm cơ sở hoàn thiện về chính sách, quy trình và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực Tài chính.
Cùng với đó, nhận thức rõ việc cải cách và đổi mới xây dựng thể chế tài chính là tiền đề cho cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải cách thể chế, chính sách tài chính theo hướng chủ động, linh hoạt, đồng bộ. Đồng thời, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số lĩnh vực tài chính.
Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phải xuất phát từ việc chuyển đổi về nhận thức. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trong toàn ngành Tài chính, người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần thay đổi tư duy, cách làm việc thủ công sang môi trường số. Bộ Tài chính xác định, từ sự thay đổi tư duy, nhận thức và quyết tâm của các cơ quan, đơn vị trong Ngành để dẫn dắt thay đổi tư duy, nhận thức và sự tham gia của xã hội.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ gắn với chuyển đổi số quốc gia.
Song song với những bài học kinh nghiệm trên, Bộ Tài chính xác định sẽ chuẩn hoá tất cả quy trình, nghiệp vụ giải quyết TTHC, tái cấu trúc các TTHC trong lĩnh vực tài chính trên nền tảng Cổng Dịch vụ công quốc gia, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kết nối xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về tài chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng thuận tiện, đảm bảo công khai minh bạch, góp phần phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính số...